THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:46

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa đổi Bộ luật Hình sự

 

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh; dự thảo Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội; việc cho phép áp dụng hệ số đặc thù ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đối với các xã vùng Đồng bằng sông Cửu Long; về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự sáng 20/2, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là Bộ luật lớn, rất quan trọng nên, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thảo luận cho kỹ càng với trách nhiệm cao nhất, “thấu tình đạt lý” để báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cuối cùng. 

Đã có 13 vấn đề lớn được đưa ra để bàn tiếp. Tuy vậy, 13 vấn đề này vẫn chưa thống nhất được các phương án, nên có những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324). Thường trực Uỷ ban Tư pháp thấy, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hai tội trên đã được Quốc hội khóa XIII cân nhắc và xin ý kiến trước khi quyết định.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 2 tội danh trên, có thể dẫn đến gây bất lợi cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.Tán thành quan điểm quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền nhưng Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng phân tích, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nguyên tắc là cần phải tuân theo thông lệ quốc tế.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận


Về vấn đề điều chỉnh khung hình phạt với một số tội danh cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn về hướng hạ mức hình phạt đối với tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Dẫn chứng vụ ngộ độc rượu khiến 8 người chết, 27 người phải nhập viện tại Lai Châu, vụ ngộ độc tập thể với hơn 60 nạn nhân mới xảy ra tại Hà Giang thời gian qua, ông Hiển cho rằng, “Dù số người chết do thực phẩm “bẩn” thống kê được hàng năm không lớn như số người chết do tai nạn giao thông nhưng hệ quả đối với sức khỏe người dân, tới cả cộng đồng lại rất lớn và khó đong đếm được mà luật lại quy định phải xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe nhất định mới xử lý được hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ chẳng xử lý được ai cả”

Về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, khi thảo luận tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc bỏ tội danh này trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hiện nay việc cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông đang diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để kinh doanh vàng trái phép, kinh doanh đa cấp trái phép... thì cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo UB Tư pháp, việc bỏ điều 292 như ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và với những lý do như Chính phủ đã trình là phù hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn các hoạt động kinh tế hiện nay.Băn khoăn của một số đại biểu về hành vi vi phạm pháp luật ở mức nghiêm trọng trong các hoạt động kinh doanh vàng, kinh doanh đa cấp... thì đã có thể xử lý hình sự ở các tội danh khác.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh