THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 07:53

Uỷ ban các vấn đề xã hội của QH: Một nhiệm kỳ nhiều dấu ấn

 

Hội nghị có sự tham của đại diện Ủy ban dân tộc, các Ủy ban của quốc hội, lãnh đạo các bộ ngành có quan hệ phối hợp công tác với Ủy ban  cùng toàn thể các thành viên của Ủy ban các vấn đề xã hội của QH. Về phía Bộ LĐ-TB&XH có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Thứ trưởng Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm.

Ủy ban đã góp phần xây dựng Hiến pháp và các chính sách về lao động, việc làm, an sinh xã hội...

Báo cáo tổng kết hoạt động của Ủy ban các vấn đề xã hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011-2016) do  Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trình bày cho thấy, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã nỗ lực thực hiện khối lượng công việc lớn trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công, góp phần vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban, của Quốc hội.

Trong công tác xây dựng Hiến pháp, xây dựng pháp luật, điểm nổi bật Ủy ban đã tích cực tham gia tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và triển khai thi hành Hiến pháp mới theo nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban. Về cơ bản, các luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc lĩnh vực Ủy ban chủ trì thẩm tra đảm bảo đúng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Hiến pháp 2013, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, bám sát thực tiễn cuộc sống, đồng thời có tính dự báo, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân, khắc phục các hạn chế của văn bản hiện hành; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng như sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các văn bản được thông qua bước đầu đã phát huy tác động tích cực trong cuộc sống. Ủy ban đã thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Hiến pháp và 40 dự án luật, pháp lệnh; tham gia ý kiến về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực của Ủy ban phụ trách trong các dự án luật, pháp lệnh như vấn đề lao động, việc làm, tiền lương, lao động di cư, người có công, bảo trợ xã hội… 

Đối với hoạt động giám sát, Ủy ban đã chủ trì giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, chính sách về giảm nghèo và chính sách ưu đãi đối với người có công… Hoạt động giám sát có nhiều cải tiến, hình thức giám sát đa dạng hơn, lựa chọn nội dung ưu tiên và quan tâm chất lượng, hiệu quả giám sát, tham gia có trách nhiệm các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác về các nội dung có liên quan. Qua hoạt động giám sát đã làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng của giám sát và đề xuất các kiến nghị xác đáng về cả hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện. Kết quả giám sát, khảo sát cũng là căn cứ và định hướng cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật. 

Từ kết quả hoạt động xây dựng pháp luật và giám sát, nhiệm kỳ qua, Ủy ban đã góp phần xây dựng các chính sách quan trọng về lao động, việc làm, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, dân số, chính sách ưu đãi người có công và chính sách thúc đẩy bình đẳng giới... 

 

 

Góp phần tạo nên thành công chung của Quốc hội khóa XIII

Tại lễ tổng kết, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã cảm ơn Ủy ban trong quá trình thực hiện chức năng của mình, đã giúp các bộ ngành, cơ quan trung ương trong đó có Bộ LĐ-TB&XH, làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước của mình, cả ơn những đóng góp chân thành của từng thành viên Ủy ban trong cả quá trình thẩm tra dự án luật cũng như trong quá trình giám sát với tư cách của đại biểu Quốc hội đối với các thành viên của chính phủ.

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền giải trình tại một phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội  thẩm tra Dự án Luật BHXH

 

Riêng đối với lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH, cùng với việc thẩm định 4 dự án luật (Luật lao động sửa đổi, luật việc làm, luật dạy nghề, luật an toàn vệ sinh lao động), Ủy ban đã cùng với Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa pháp lệnh người có công và chính những đề xuất, thẩm định của Ủy ban giúp chính phủ làm tốt hơn công việc của mình trong lĩnh vực lao động. Bộ trưởng đặc biệt đánh giá rất cao tính chủ động của Ủy ban trong lĩnh vực bình đẳng giới, Ủy ban đã rất chủ động trong việc phối hợp làm thế nào để công tác bình đẳng giới được tốt hơn, đã cùng với Bộ LĐ-TB&XH  tổ chức nhiều hội thảo về bình đẳng giới và thông qua đó thống nhất được các chính sách trình chính phủ

Ủy ban ngoài việc cùng với các cơ quan chính phủ, thẩm tra xây dựng các dự án luật để xây dựng những chính sách mới  còn có nhiệm vụ giám sát tối cao. 5 năm qua các Ủy ban đã giám sát tối cao về lĩnh vực giảm nghèo, người có công, các đồng chí đã tham mưu để có hai nghị quyết rất quan trọng là cơ sở để Chính phủ cũng như Bộ LĐ-TB&XH triển khai thực hiện tốt hơn mục tiêu giảm nghèo bền vững và chăm sóc người có công. “Những ý kiến của các đồng chí trong Ủy ban đi đúng được nguyện vọng chính đang của dân, giúp chính phủ sửa đổi những vấn đề chưa hợp lòng dân“- Bộ trưởng nhấn mạnh và  hy vọng với những kết quả đã đạt được tới đây mối quan hệ giữa Ủy ban với Chính phủ nói chung và Bộ LĐ-TB&XH  nói riêng sẽ có sự hợp tác bứt phá hơn, hiệu quả hơn.

Chúc mừng những thành tựu mà Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã đạt được trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Ủy ban về các vấn đề xã hội đã phát huy được truyền thống, bề dày kinh nghiệm của các khóa trước, tạo nên thành công, "thương hiệu" của Ủy ban trong nhiệm kỳ khóa XIII. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định: những kết quả hoạt động của Ủy ban đã góp phần tạo nên thành công chung của Quốc hội khóa XIII. Điểm lại sự tham gia toàn diện của Ủy ban đối với công tác lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng với bề dày kinh nghiệm và truyền thống, Ủy ban về các vấn đề xã hội tiếp tục phát huy những thành tựu, có những đóng góp hiệu quả vào việc nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, mong muốn, kết thúc nhiệm kỳ, những thành viên Ủy ban dù không tham gia khóa tới cũng sẽ tiếp tục theo dõi, đóng góp ý kiến, vun đắp bề dày truyền thống của Ủy ban.

Kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nêu rõ: Thời gian qua, Ủy ban đã làm tốt nhiệm vụ của QH, Ủy ban Thường vụ QH giao, bổ sung nhiều chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho hàng triệu người dân. Tuy nhiên, những vấn đề về bảo hiểm y tế toàn dân, tiền lương tối thiểu cho người lao động và một số chính sách an sinh- xã hội khác vẫn còn bất cập. Vì vậy, trong thời gian tới, Ủy ban cần tập trung công tác giám sát các vấn đề: lao động - việc làm, an sinh - xã hội, y tế - dân số, người có công, thi đua - khen thưởng, bình đẳng giới,... để góp phần làm cho cuộc sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn.

Thái An/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh