CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:47

Ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0


Để người dân đều được hưởng an sinh xã hội bền vững

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp ngài Lim Jock, đồng thời cho biết Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặc biệt quan tâm tới yếu tố con người, văn hóa.

Bộ trưởng khẳng định trong vấn đề con người, Việt Nam nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như sự di chuyển lao động khu vực và toàn cầu; đồng thời tập trung chiến lược phát triển xã hội để làm sao tất cả người dân đều được hưởng an sinh xã hội bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau. Những nội dung này sẽ được trình lên hội nghị cấp cao ASEAN.

Theo Bộ trưởng, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ đi theo 2 khía cạnh là phát triển toàn diện, bộ phận còn lại sẽ phát triển lên tầm cao hơn, nguồn nhân lực sẽ đòi hỏi kỹ năng cao hơn.

Bên cạnh đó, trước thách thức của già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ ưu tiên cho nhóm đối tượng yếu thế để tạo sự phát triển bền vững trong xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ đã phân công 15 ngành cùng tổ chức hoạt động đồng bộ để triển khai những nội dung quan trọng này.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, Việt Nam hy vọng sẽ đạt được kết quả như kỳ vọng, đóng góp thực chất vào một trong 3 trụ cột của ASEAN là văn hóa – xã hội cũng như sự phát triển của cộng đồng ASEAN.

Ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao thích ứng CMCN 4.0 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi

Về phần mình, ngài Lim Jock Hoi cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thông tin và đồng ý với những đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH.

Theo đó, Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh, lợi ích cho nhân dân là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh ASEAN đang bước vào thời kỳ già hóa dân số vì thế rất cần đến phúc lợi xã hội; cùng với đó là hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỗ trợ nhân đạo, vấn đề môi trường của cộng đồng toàn khu vực…

"Chúng ta có rất nhiều lĩnh vực hợp tác với nhau. Trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm nay, tôi hy vọng chúng ta sẽ cụ thể hơn để đạt kết quả như kỳ vọng vào năm 2020", Tổng Thư ký ASEAN nói.

Đánh giá cao sự hỗ trợ của ILO

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp bà Debora Greenfield, Phó Tổng Giám đốc ILO phụ trách lĩnh vực chính sách về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao thích ứng CMCN 4.0 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam gia nhập ILO gần 30 năm và đóng góp hiệu quả, có trách nhiệm với ILO

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam và ILO có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đồng thời chúc mừng sự kiện 100 năm ILO được tổ chức ngày 27/8 tại Hà Nội.

Dịp này, Việt Nam cũng kỷ niệm 100 năm thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Người, trong đó có liên quan đến lao động, con người. Điều này có sự tương đồng với ILO, coi con người là trung tâm, phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam gia nhập ILO gần 30 năm và đóng góp hiệu quả, có trách nhiệm với ILO. Hiện Việt Nam đã tham gia 24 Công ước, trong đó có 6 Công ước cơ bản.

Với ILO Việt Nam, Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ, cùng đồng hành, sẻ chia, hỗ trợ nhau rất tích cực trong công việc, đặc biệt trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao thích ứng CMCN 4.0 - Ảnh 3.

Bà Debora Greenfield cho biết, ILO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, cũng như khẳng định ý nghĩa của Tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động

Bộ trưởng đánh giá cao ILO đã hỗ trợ Việt Nam trong hình thành và xây dựng chính sách pháp luật như Bộ luật Lao động, BHXH, an toàn lao động, an sinh xã hội… Nhất là trong sửa đổi Bộ luật Lao động lần này, Bộ rất cần ILO tiếp tục tham vấn để Bộ luật được hoàn thiện hiệu quả.

Bộ trưởng cũng thông tin, Công ước 98 của ILO sau khi phê chuẩn đã và đang được tiến hành rất khẩn trương để tiếp tục cụ thể hóa, nội luật hóa các công ước vào Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Đáp từ, bà Debora Greenfield chúc mừng Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98, cũng như Hiệp định EVFTA bởi đây là bước tiến rất quan trọng. Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do này, theo bà, tạo điều kiện cho Việt Nam hội nhập sâu hơn, trở thành đối tác thương mại toàn cầu, phát triển thành nước có thu nhập trung bình cao trong một vài năm tới.

Ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao thích ứng CMCN 4.0 - Ảnh 4.

Toàn cảnh buổi tiếp Phó Tổng Giám đốc ILO

Phó Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh: "Về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – ILO, tôi đã trả lời phỏng vấn VTV hôm nay. ILO sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa Việt Nam ở mức có thể, cũng như khẳng định ý nghĩa của Tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động, trong đó lấy con người làm trung tâm".

Dương Thìn - Thành Công - Quý Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh