THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:23

Ước vọng xuân tươi đẹp cho những đứa con “đặc biệt”

Sống bằng yêu thương

Người đàn ông ấy là Tống Phước Phúc. Những ngày cuối năm 2022, nhìn lên cuốn lịch, ông Phúc bấm đốt ngón tay và thổ lộ: "Bước sang mùa xuân 2023 đã là 21 năm tôi nuôi trẻ mồ côi. Số trẻ bị vứt bỏ tôi "gom" về cũng tăng dần theo năm tháng. Đứa trẻ đầu tiên là vào đầu năm 2004, khi tôi phát hiện cháu bị mẹ bỏ rơi ở gốc cây, kiến bu vào, thân hình chỉ to hơn bắp tay, khóc không nên tiếng. Thương quá, tôi mang về chạy chữa khắp nơi để cứu cháu qua giai đoạn nguy kịch rồi nhận làm con nuôi".

Cũng từ đó, chẳng hiểu cơ duyên nào mà ngày càng nhiều phụ nữ với đủ hoàn cảnh, tôn giáo… không nuôi được con lại mang đến bỏ trước nhà ông Tống Phước Phúc và gọi ông ra rồi đi. Có người thì nói là công nhân, sinh viên… trót dại; có bà mẹ lại kêu ở vùng sâu, vùng xa… bị người yêu lừa có bầu, sinh con rồi bỏ, giờ không nuôi được; có bà mẹ khi trao con cho ông Phúc thì khóc nấc không thành tiếng mà chạy hút vào bóng đêm.

Ông Phúc bên những đứa trẻ thiệt thòi.

Ông Phúc bên những đứa trẻ thiệt thòi.

Không chỉ bà mẹ mang con đến bỏ trước nhà ông mà còn có cả những người mang thai nhưng vì hoàn cảnh muốn bỏ thai đã được một số cơ sở y tế khắp nơi điện báo cho ông Phước. Và rồi, dù giữa mưa tuôn hay nắng cháy, ông lập tức đến khuyên nhủ và đón những người phụ nữ này về nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến ngày "mẹ tròn con vuông". Nếu vì hoàn cảnh muốn bỏ con lại thì cứ để ông nuôi nấng, dạy dỗ, đến khi có điều kiện muốn quay về nhận thì ông vẫn sẵn lòng. Cứ thế, từ đứa trẻ đầu tiên, bà bầu đầu tiên… đến nay, ông Phúc cho biết đã có gần 400 trẻ bị bỏ rơi cũng như được sinh ra từ các bà bầu được ông mang về nuôi đến khi sinh nở xong rồi bỏ đi.

"Hầu như ai tới đây cũng bật lên câu hỏi, sao tôi có thể cưu mang, vỗ về, chăm sóc được nhiều thân phận đến thế, trong khi công việc chỉ làm thợ, làm vườn. Trước những câu hỏi ấy, thực sự cũng khó giải thích. Nhưng từ thẳm sâu, giữa lằn ranh sự sống và chết thì trong lòng mình trỗi lên sức mạnh kỳ diệu lắm", ông Tống Phước Phúc bộc bạch.

Lắng sâu trong tâm trí ông Phúc là giữa nhiều đêm mưa, một số sản phụ sinh con xong không đủ dũng cảm đưa con đến nhà ông Phúc đành bỏ ở một nơi xa và gọi ông đến. Khi ấy, ông tức tốc lên đường mà lòng bồn chồn chỉ sợ cháu bé có mệnh hệ gì…

Điều hạnh phúc mà cũng là nguồn cổ vũ lớn cho công việc lặng thầm của ông Phúc là vợ ông lẫn người thân đều ủng hộ, dù hoàn cảnh còn nhiều hạn hẹp. "Có hôm mình ăn mì, nhường cơm cho các con nuôi. Nhiều đêm khuya vắng, ngắm những đứa con nuôi dần đi vào giấc ngủ ngon, chân, tay mình mỏi quá cứ thế mà rũ rượi xuống. Nhìn lại những nốt chai sần, chỗ bị thương đã liền sẹo cũng có chút yếu lòng. Nhưng rồi, nghĩ đến những lời nói yêu thương, nụ cười hồn nhiên và cái nhìn đầy ấm áp của những đứa trẻ đầy thiệt thòi, tinh thần tôi lại được vực dậy, vượt qua mọi gian khổ", ông thổ lộ.

Như người cha đặc biệt

Trong số những đứa trẻ ở mái ấm ấy, có đứa bệnh tật liên miên, đứa thậm chí không có hậu môn, đứa lại què quặt, tim bẩm sinh… ông Phúc đội mưa gió đi tìm thuốc, tìm thầy khắp nơi. Không chỉ với hàng trăm đứa con nuôi mà nhiều bà bầu cũng xem ông Tống Phước Phúc như người cha đặc biệt của mình.

Ông bảo rằng: "Chỉ có lòng bác ái mới kết nối được con người xích lại gần nhau và lo lắng cho nhau hơn. Mái ấm của chúng tôi cũng được chính quyền các cấp ở địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện. Các cháu mồ côi ngày càng được hỗ trợ nhiều. Một số mạnh thường quân cũng tìm đến. Chính vậy tôi mới gồng gánh được. Nhưng cũng có cái mình lực bất tòng tâm…".

Ông Phúc được nhiều cơ quan, tổ chức khen thưởng cho việc làm ý nghĩa.

Ông Phúc được nhiều cơ quan, tổ chức khen thưởng cho việc làm ý nghĩa.

Đến cuối năm 2022, mái ấm của ông Phúc hiện nuôi dạy gần 20 cháu. Trong số đó, một nửa đến trường, một nửa mới vài tuổi, cháu nhỏ nhất mới 3 tháng. Mỗi đứa con nuôi bị bỏ rơi trong một hoàn cảnh khác nhau nên ông Phúc ghi chép, nhớ kỹ tất cả dữ liệu như: Bị bỏ rơi ở đâu, mẹ tên gì, dân tộc gì, tôn giáo gì… Đặc biệt, tất cả những đứa trẻ thiệt thòi này đều đặt theo họ ông Phúc còn tên đệm thì lấy tên quê quán, tên dân tộc đứa trẻ hoặc tên mẹ của chúng… để dễ gợi nhớ hơn nếu sau này mẹ các cháu tìm về nhận con. Còn tên chính đối với con trai được đặt tên là Vinh với ước vọng sau này sẽ học tốt, giành được nhiều phần thưởng đầy vinh quang. Đối với con gái, tên chính đặt là Tâm với mong muốn luôn giàu lòng nhân hậu, có cái tâm yêu thương người có hoàn cảnh khó khăn.

Dưới mái ấm của ông Tống Phước Phúc, những thân phận ấy còn phải gánh trên mình cùng lúc nhiều nỗi đớn đau của thể xác lẫn tâm hồn, nhưng rồi những điều ấy dần được xóa nhòa đi. Kéo cháu Y.T vào lòng, ánh mắt cháu có chút sợ hãi với người lạ, ông Phúc tâm sự: "Cháu vừa bị tật, vừa bị bỏ rơi từ nhỏ. Thế đã thương lắm rồi, nhưng cách đây không lâu, cháu còn bị người xấu định lừa bán qua biên giới. Khi biết chuyện, tôi đã xung phong nhận cháu về nuôi. Những ngày đầu, tâm lý của cháu rất hoảng loạn, nhưng sau khi được vỗ về thì dần bình an trở lại".

Từ căn nhà luôn ấm áp tình thương yêu của ông Phúc, nhiều trẻ mồ côi đã vươn lên học giỏi, tự thân lập nghiệp. Một số em còn được đi lao động ở nước ngoài. Một số bà mẹ bỏ rơi con mình sau 10 hoặc 15 năm quay về nhận, ông Phúc đều vui vẻ đồng ý. Lại có bà mẹ vượt qua được giai đoạn éo le của đời sống, giờ ổn định quay về không chỉ nhận con mà còn tình nguyện ở lại giúp ông Phúc chăm bẵm những thân phận kém may mắn khác.

Trong hành trình lặng thầm vượt nắng, mưa đi nhận về và nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi, ông Phúc còn bắt gặp nhiều thai nhi bị vứt bỏ ở công viên, ven biển, rìa đồi… Lòng ông lại trỗi dậy khao khát đưa về chôn cất và nhang khói. Ban đầu số hài nhi ít, sau đó ngày càng nhiều lên nên ông tích cóp tiền mua mảnh đất trên núi Hòn Thơm (Nha Trang, Khánh Hòa) lập nên nghĩa trang Đồng Nhi. Tận tay chôn cất nhiều hài nhi, lòng ông như trĩu nặng thêm.

"Tôi đã dặn hầu hết bệnh viện lớn trên địa bàn khi có trường hợp cứ kiên quyết nạo, hút thai thì gọi tôi lên nhận về chôn cất. Có hài nhi đã rất lớn rồi vẫn bị bỏ, lòng tôi như bị kim châm. Chỉ khát mong điều này ngày càng ít đi", ông chia sẻ.

Những việc làm cao cả của ông Tống Phước Phúc đã được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư khen; được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng như nhiều tổ chức tặng bằng khen, giấy khen…

Hà Văn Đạo

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh