THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 01:38

Ước nguyện của tất cả mọi người

 

Lên đường vì những người đồng đội

Trò chuyện với chúng tôi trong căn phòng chật chội với đủ loại giấy tờ liên quan đến các liệt sĩ, Đại tá Nguyễn Hùng Phong, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết, đa phần cán bộ công tác tại Hội đều là cựu chiến binh, là con liệt sĩ hay những cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc các cơ quan Trung ương và địa phương đã từng trải qua các cuộc chiến tranh và hoạt động thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, bởi vậy hơn ai hết họ hiểu nỗi đau của thân nhân liệt sĩ khi chưa đưa được người thân về quê hương.

Nhắc đến đồng đội, những hy sinh, mất mát trong chiến tranh, người lính ở cái tuổi gần 70 không cầm được nước mắt. Ông Phong nghẹn ngào kể: “10 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, chỉ tính riêng Trung đoàn tôi, số quân hy sinh cộng lại đã bằng... hai trung đoàn. Chiến tranh thật tàn khốc. Sự sống và cái chết đối với những người lính là một ranh giới rất mong manh. Cứ sau mỗi trận đánh những đồng đội của tôi lại vơi đi. Có lần địch tấn công làm 27 đồng đội tôi hy sinh mà thân thể không còn được nguyên vẹn. Sau trận càn ấy, tôi và những người đồng đội may mắn còn sống lặng lẽ đi gom các phần thân thể của đồng đội chia làm 27 phần để chôn cất”.

Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trao tặng sổ tiết kiệm cho gia đình các liệt sĩ tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên.

Nói về công việc tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, ông Phong cho biết: Nhu cầu tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ là nhu cầu cấp thiết, thường xuyên bởi nỗi đau mất con của các bậc cha mẹ, mất chồng của những người vợ, mất cha của những người con, mất người thân của anh, em, các cháu và dòng họ... là nỗi đau không thể nguôi ngoai. Chính gia đình ông cũng đang khắc khoải mong ngóng thông tin về hài cốt liệt sĩ gia đình mình nên ông coi công việc mình đang làm là trách nhiệm và sẽ làm đến khi không còn sức nữa.

Ông Phong tâm sự: Anh trai ông là liệt sỹ Nguyễn Anh Cường nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa mặt đất. Trong trận đầu tiên ở Tây Nguyên đánh vào căn cứ Lệ Thanh, dù đã tiêu diệt được nhiều giặc Mỹ nhưng sau đó bị địch phản pháo chiếm lại căn cứ, anh trai ông đã hy sinh không tìm thấy xác. “Dù đã tìm kiếm từ mọi nguồn thông tin, có khi đi hàng tháng trời, đào cả vạt rừng mà vẫn không thấy hài cốt của anh. Gia đình tôi đành chấp nhận khả năng sẽ mãi mãi không tìm thấy hài cốt anh tôi... Chiến tranh qua đi, có bao gia đình cũng như gia đình tôi, đó là thôi thúc lớn nhất để chúng tôi mong muốn tạo nên một cầu nối thiết thực nhất giúp gia đình liệt sĩ sớm tìm lại được hài cốt người thân” - Đại tá Nguyễn Hùng Phong tâm sự.

Làm hết mình để trả lại tên cho đồng đội

 Đại tá Phong cho biết, đáp ứng tâm nguyện của những người lính từng chiến đấu nơi chiến trường mong muốn góp sức mình vào công việc tìm lại tên cho những người đồng đội đã ngã xuống. Ngày 17/9/2010 Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã có Quyết định số 1081/QĐ-BNV, cho phép thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam ra đời với tôn chỉ mục đích nhằm hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận, thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần giúp các gia đình liệt sĩ thu thập thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc hoặc chưa xác định được danh tính; tham gia nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về các giải pháp thực hiện chế độ chính sách tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ và gia đình liệt sĩ... Qua gần 5 năm hoạt động, Hội đã tư vấn thông tin giúp đỡ tìm kiếm liệt sỹ cho hàng trăm nghìn trường hợp, thực hiện nhiều hoạt động tri ân các gia đình liệt sỹ, hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí giám định ADN để xác minh danh tính cho hàng trăm trường hợp gia đình liệt sĩ... Trung bình mỗi ngày có khoảng 20 - 30 thông tin (trực tiếp, qua thư bưu điện, điện thoại, thư điện tử...) được gửi đến Hội.

Để xác định một cách chính xác nhất danh tính liệt sĩ, Hội đã ký với Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Pháp y quân đội “Hợp đồng giám định gen hài cốt liệt sĩ”, cùng thực hiện nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa; cùng tiến hành công việc để định danh hài cốt liệt sĩ với phương châm miễn phí, đúng quy định pháp lý. Đến nay, Hội đã hỗ trợ các gia đình liệt sĩ về thông tin, giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ trên 600 hài cốt, đạt kết quả giám định đúng trên 76%, góp phần  cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm dịu nỗi đau thương mất mát do chiến tranh. 

Tổng Cty truyền thông đa phương tiện trao tặng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Nghĩa trang trực tuyến HTTP://trian.gov.vn

Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết: "Trong chiến tranh hầu hết các liệt sĩ khi hy sinh, đơn vị đều gửi giấy báo tử về nhà. Nhưng do việc bảo đảm tuyệt mật thông tin nên giấy báo tử thường chỉ ghi tên, còn tên đơn vị cũng như địa điểm trận đánh hoặc nơi chôn cất các anh đều được ghi bằng ký hiệu. Đó chính là khó khăn lớn của gia đình và xã hội trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Nhiều trường hợp nhận được giấy báo tử ghi bằng những ký hiệu, phiên hiệu nên nhiều gia đình cầm giấy báo tử đi tìm hàng chục năm trong vô vọng do không biết được những thông tin đích xác về đơn vị, nơi hy sinh và nơi an táng của liệt sĩ". Hiện tại, bằng tất cả nỗ lực của toàn xã hội, trong số 900 nghìn ngôi mộ được quy tập ở nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước thì vẫn còn 1/3 trong số đó là mộ khuyết danh. Như vậy có khoảng 500 nghìn liệt sĩ đã hy sinh mà gia đình chưa tìm thấy. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đối với thân nhân gia đình là hết sức khó khăn. Với những ngôi mộ khuyết danh thì việc giám định ADN sẽ là cơ sở khoa học chính xác nhất để giúp cho gia đình liệt sĩ xác định đúng người thân của mình.

Trung tướng Lê Văn Hân tâm sự: "Khác với các phương pháp tìm và xác định mộ liệt sĩ, phương pháp giám định gen hài cốt liệt sĩ cho kết quả chính xác và khoa học nhất. Tuy phương pháp này tốn kém về tiền bạc (khoảng 10 triệu đồng một lần giám định) nhưng với tinh thần trách nhiệm cao nhất chúng tôi vẫn làm tròn nghĩa vụ với người đã khuất bằng cách không thu kinh phí của thân nhân liệt sĩ. Chúng tôi luôn xác định công việc nghĩa tình này như một lần thứ hai làm khai sinh cho đồng đội".

Năm tháng trôi qua việc trả lại tên cho các liệt sĩ dựa vào việc xét nghiệm ADN theo dòng mẹ càng ngày càng khó khăn, bởi nhiều trường hợp liệt sĩ có những sơ đồ mộ chí, có địa chỉ rõ ràng nhưng khi về địa phương tìm người thân thì gia đình đã chuyển đi nơi khác sống, không còn để lại thông tin; có những gia đình không còn người thân dòng mẹ để lấy mẫu đối chứng... Nhưng khi nào chưa trả lại tên cho các đồng đội thì những người tình nguyện của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục lên đường đi khắp mọi miền Tổ quốc mang theo ước nguyện trả lại tên cho đồng đội, để phần nào xoa dịu nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con...

N.SÍU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh