Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?
- Y học 360
- 05:54 - 27/05/2022
Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra nhiều sự cố y khoa. Hậu quả của các sự cố không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh mà trong một số vụ việc nghiêm trọng còn cướp đi sinh mạng của bệnh nhân. Sự cố y khoa đang gây áp lực rất lớn lên các y bác sĩ, làm sụt giảm sự hài lòng của người bệnh, giảm uy tín của ngành y, tác động tiêu cực tới nỗ lực nâng cao chất lượng trong chăm sóc, điều trị cho người bệnh của các cơ sở y tế và gây mất an ninh trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Để có những thông tin khách quan, giúp cộng đồng hiểu hơn về các sự cố y khoa, đồng thời tìm ra những giải pháp nhằm hạn chế rủi ro cho cả người bệnh và y bác sĩ, Báo Tiền Phong phối hợp cùng các đơn vị đồng hành tổ chức Hội thảo “Ứng xử ra sao với sự cố y khoa?”.
Hội thảo có báo cáo tham luận “Hướng dẫn phòng ngừa và quản lý sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” do BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long, Phó phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế TPHCM trình bày; tham luận: “Góc nhìn của người trong cuộc những ứng xử thường gặp và đề xuất" do TS, BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ trình bày; tham luận "Tai biến trong y khoa và khía cạnh pháp lý" do TS, BS Bùi Minh Trạng, Giám đốc Viện Tim TPHCM trình bày; tham luận: “Thực trạng ngành phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam” do TS, BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW trình bày.
Bên cạnh đó là nội dung thảo luận của các bác sĩ đến từ các diễn giả đã báo cáo thảo luận cùng đại diện nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM như: Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện… Chương trình còn có sự tham dự trực tiếp của 500 sinh viên y khoa đang theo học tại các trường Đại học trên địa bàn TPHCM…
Phát biểu tổng kết tại hội thảo, Thầy thuốc nhân dân, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, SCYK là câu chuyện phong phú, cần hiểu rõ để xử lý và phòng ngừa. Việt Nam có 90% số cơ sở khám chữa bệnh là khu vực công với hệ thống 1.400 bệnh viện, 500.000 bác sĩ, điều dưỡng… khám chữa bệnh cho gần 100 triệu dân. Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải thay đổi tư duy, lấy người bệnh làm trung tâm trong mối quan hệ tương tác của thầy thuốc và cán bộ y tế khác với người bệnh và gia đình người bệnh. Trong đó, người bệnh, gia đình người bệnh được hướng dẫn, hỗ trợ đưa ra các quyết định và tham gia chăm sóc cho chính họ, cung cấp thông tin giúp bác sĩ để điều trị bệnh.
Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã ban hành thông tư 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 về hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm hướng dẫn cụ thể các hoạt động phòng, ngừa, hướng dẫn quản lý các sự cố y khoa cho nhân viên y tế. Điểm đáng chú ý là Thông tư số 43 thay đổi văn hóa từ trừng phạt sang khắc phục ngăn ngừa, nhìn trước những vấn đề có thể xảy ra.
Do đó, cần thay đổi tư duy của nhà quản lý ở cơ sở khám chữa bệnh. SCYK là rất nhiều, không chỉ xảy ra trong lĩnh vực phẫu thuật mà còn ở việc cấp thuốc, thiết bị… Khi xảy ra sự cố y khoa, bệnh viện tư thì dễ sập tiệm, bệnh viện công thì mang tai tiếng. Do đó, lãnh đạo các bệnh viện cần thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh để tránh SCYK. Nếu xảy ra SCYK thì bình tĩnh, nhìn thẳng vào sự thật và công khai xin lỗi bệnh nhân.
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, khi xảy ra SCYK, Phòng Công tác xã hội của các bệnh viện phải là đầu mối giúp hòa giải giữa gia đình bệnh nhân với bệnh viện. Ở Việt Nam, SCYK chưa biết đúng sai nhưng xảy ra ở bệnh viện mình thì mình phải xin lỗi trước. Còn mức độ sai tới đâu sẽ thành lập hội đồng y khoa, giám địnhxử lý sau. SCYK không chỉ ở Việt Nam mà tất cả nước tiên tiến đều xảy ra. Các sinh viên cần hiểu biết thêm về pháp luật, nhà trường cần quan tâm tổ chức nhiều hơn các hội thảo khoa học như thế này để sinh viên tiếp cận thực tế. Thầy thuốc phải được mua bảo hiểm trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho mình”, PGS, TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.