CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:57

Ứng phó với áp thấp nhiệt đới: Chủ động sơ tán dân vùng nguy cơ xảy ra ngập lụt

 

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, ngay từ ngày 20/11, đã có văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cung cấp các bản tin về áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

Dự kiến hướng đi của bão số 9.

Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, TP từ Phú Yên đến Bình Thuận tổ chức trực ban nghiêm túc và đã có thông báo, văn bản chỉ đạo gửi các Sở, ngành, địa phương về diễn biến ATNĐ và chủ động triển khai ứng phó.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h00 ngày 22/11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 400km về phía Đông Đông Nam; sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới ATNĐ sẽ mạnh lên thành bão; đêm 24/11 sáng 25/11, bão đổ bộ vào đất liền khu vực Phú Yên - Bình Thuận ở cấp 9, 10, giật cấp 12. Đây cũng là thời điểm triều cao nhất trong ngày (đỉnh triều trong ngày là 1,6m/1,7m đỉnh triều của tháng).

Theo thông tin từ các đài quốc tế, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn từ 200-300mm tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Ngoài ra, trên biển cũng có mưa to, trong đất liền cảnh báo xẩy ra dông, lốc cục bộ.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, rút kinh nghiệm từ công tác chỉ đạo ứng phó và thiệt hại do bão số 12 năm 2017 (Khánh Hòa 45 người chết và mất tích, 70.900 lồng nuôi thủy sản bị thiệt hại); mưa lớn sau bão số 8 năm 2018 (Khánh Hoà: 19 người chết và mất tích), để chủ động ứng phó hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, cần tập trung triển khai vào các công việc như sau:

Trên biển, thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển thoát ra, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là 31 phương tiện đang trong vùng nguy cơ ảnh hưởng của ATNĐ.

Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến, nhất là tàu vận tải, tàu hàng, tàu vãng lai; gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy sản (bão 12 năm 2017 đã gây thiệt hại 70.900 lồng nuôi trồng thủy sản tại Khánh Hòa và làm 08 tàu vận tải bị chìm tại cảng Quy Nhơn).

Bộ Ngoại giao liên hệ, trao đổi với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực để tạo điều kiện cho tầu thuyền của ngư dân vào tránh trú tại các đảo khi có nhu cầu.

Trên đất liền, tập trung tìm kiếm 01 người còn mất tích (Nha Trang, Khánh Hoà), tiếp tục sơ tán trong các hộ dân trong khu vực sạt lở có nguy cơ mất an toàn.

Chủ động phương án sơ tán dân vùng trũng, thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất; phương án đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp tập trung, các khu du lịch.

Thông tin cho khách nước ngoài biết diễn biến và không để người dân ra bờ biển xem bão đổ bộ.

Gia cố nhà cửa, kho tàng, cột tháp, các công trình có khả năng mất an toàn; tổ chức chặt tỉa cành cây đặc biệt là ở các khu đô thị và các nơi dân cư tập trung.

Tổ chức tính toán để chủ động các phương án vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt các hồ chứa xung yếu và các hồ chứa đã trên 70% dung tích.

Sẵn sàng phương án phân luồng, đảm bảo giao thông khu vực bão đổ bộ, các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu khi có lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để khắc phục sự cố các tuyến đường giao thông.

Sẵn sàng phương án khắc phục sự cố lưới điện (bão số 12 năm 2017 làm 2.550 cột điện bị gãy đổ).

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh