THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:02

“Uẩn khúc” nguồn gốc thương hiệu Hoạt huyết Nhất Nhất

 

Chủ cơ sở sản xuất sản phẩm Hoạt huyết Hoàng Thành cho rằng đang bị cạnh tranh không lành mạnh

Bài thuốc có từ đâu?

Về sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất và Hoạt huyết Hoàng Thành, một “người trong cuộc” cho hay, lúc đầu hai sản phẩm này đều có cùng công thức, thành phần, người bào chế. “Người trong cuộc” đó chính là bà Đinh Thị Chì – Giám đốc Cty TNHH Hoàng Hương, đơn vị được Bộ Y tế cấp phép cho sản phẩm bổ huyết Hoapharm dạng thuốc nước (có thành phần: Thục địa, ích mẫu, xuyên khung, bạch thược, đương quy, ngưu tất) được lưu hành trên thị trường từ tháng 7/2005. 

Bà Chì cho rằng từ năm 2004, Cty TNHH Hoàng Hương biết nhóm lương y gồm các ông Trường, Hải, Bình ở Hưng Yên có công thức bào chế thuốc bổ não tốt nên đã chủ động phối hợp để xin Bộ Y tế cấp phép và Cty TNHH Hoàng Hương là đơn vị phân phối ra thị trường.

Lúc này, Cty TNHH Nhất Nhất là đơn vị chuyên tìm kiếm những tổ chức, cá nhân có công thức sản xuất thuốc tốt để phối hợp quảng cáo và phân phối ra thị trường; trong đó có phối hợp với Cty TNHH Hoàng Hương về sản phẩm bổ huyết Hoapharm. 

Xác nhận thông tin này, ông Nguyễn Văn Trường (chủ Cơ sở sản xuất dược thảo Nhất Nhất) cho biết: “Sau khi bổ huyết Hoapharm thuốc nước ra thị trường một thời gian, chúng tôi đã nghiên cứu thành công thuốc bổ huyết dạng viên nén bao phim để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Khi đó, đại diện cho Cty TNHH Nhất Nhất (đơn vị uy tín về phân phối thuốc thời đó) đã đề xuất phối hợp với chúng tôi lấy tên Nhất Nhất làm thương hiệu cho viên nén bao phim để đăng ký với Bộ Y tế vì Cty TNHH Nhất Nhất đã tra cứu tên Nhất Nhất không bị trùng lặp và sẵn sàng phân phối tốt viên nén bao phim này. Chúng tôi đồng ý”.

Ông Trường tự trách mình vì lúc đó không hiểu biết về pháp luật, chưa nắm rõ được kiến thức về đăng ký sở hữu trí tuệ mà chỉ biết tin vào sự chân thành trong tình bạn... 

“Tráo vai” tài tình, ngoạn mục

Một thời gian sau, ngày 30/11/2007 Cty TNHH Nhất Nhất nhận chuyển nhượng lại quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa “Dược phẩm Nhất Nhất” từ Cty TNHH Dược phẩm Công Tâm ở quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh. Tiếp đến, Cty TNHH Nhất Nhất đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Nhất Nhất ngày 27/04/2009 và sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất ngày 25/11/2011 tại Cục Sở hữu Trí tuệ. 

Sau đó, từ cuối năm 2009, Cơ sở sản xuất dược thảo Nhất Nhất (bên được Bộ Y tế cấp phép – bên bán) và Cty TNHH Nhất Nhất (bên mua – bên phân phối) ký kết nhiều hợp đồng làm ăn với nhau. Đến thời điểm 31/12/2013, Cơ sở sản xuất dược thảo Nhất Nhất không còn quyền sản xuất thuốc thì mối quan hệ này không còn như trước. Cùng với đó, Cty TNHH Nhất Nhất cũng xây dựng nhà máy sản xuất tại Long An và phân phối rầm rộ sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất như hiện nay. 

Về vấn đề này, ông Trường cho hay: “Từ xuất phát điểm là nhóm sáng chế ra loại thuốc tốt, chúng tôi đã bị mất “quyền” đối với chính sản phẩm của mình từ lúc nào không hay. Thật là cay đắng. Thôi thì những gì pháp luật đã công nhận thì không bàn nữa, nhưng khi chúng tôi cho ra mắt thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hoạt huyết Hoàng Thành mà họ gửi thư khuyến cáo “triệt” đường kinh doanh của chúng tôi thì quả thật là quá quắt, không thể chấp nhận được”.  

Liên quan đến hành vi gửi Thư khuyến cáo của Cty TNHH Nhất Nhất tới các nhà thuốc và khách hàng, Báo PLVN đã gửi nội dung đề xuất làm việc tới Cục Quản lý Cạnh tranh theo nội dung đề nghị của Cty TNHH Hoàng Thành và Chủ cơ sở sản xuất dược thảo Nhất Nhất. Qua đó, ngày 30/06/2016, Cục Quản lý Cạnh tranh đã có công văn trả lời Báo PLVN với nội dung: “Cục Quản lý Cạnh tranh sẽ liên hệ với các bên liên quan để tìm hiểu thông tin vụ việc. Trường hợp có kết luận về vi phạm của một trong các bên liên quan sẽ thông tin tới Báo PLVN”. 

Trong khi cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng thì Cty TNHH Hoàng Thành và Chủ cơ sở sản xuất dược thảo Nhất Nhất đã bị thiệt hại hàng tỷ đồng do không bán được hàng và phải chịu sức ép của một việc không đáng có. Thực tế cho thấy, trong guồng quay “khắc nghiệt” của nền kinh tế thị trường thì ranh giới giữa “chèn ép” và “phá sản” là rất gần. 

Hy vọng, với vai trò của các cơ quan chức năng và sự nghiêm minh của pháp luật, những hành vi sử dụng “chiêu thức” trái  với đạo đức kinh doanh thông thường sẽ được hạn chế, trả lại công bằng cho những doanh nghiệp mong muốn làm ăn chân chính. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh