THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:30

Tỷ lệ nhiễm HIV nhóm nghiện ma túy có xu hướng giảm

Tỷ lệ nhiễm HIV nhóm nghiện ma túy có xu hướng giảm  - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long

 *Xin ông khái quát diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay?

- 9 tháng năm 2019, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.779 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 2.984, số bệnh nhân tử vong 1.428 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (39,4%) và 30 - 39 (34,3%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (65%) và qua đường máu (17%), mẹ sang con 2%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền.

Tính đến 30/9/2019, cả nước có 215.661 người nhiễm HIV được các tỉnh báo cáo hiện còn sống và 103.616 người nhiễm HIV đã tử vong. Tuy nhiên, trong số 215.661 người hiện đang báo cáo nhiễm HIV được phát hiện, có khoảng 10% người nhiễm HIV trùng lặp hoặc đã tử vong nhưng chưa được ghi nhận.

Kết quả giám sát trọng điểm HIV năm 2018 trên nhóm phụ nữ bán dâm (13 tỉnh) và nam quan hệ tình dục đồng giới/MSM (8 tỉnh) cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV nhóm phụ nữ bán dâm là 3,58% và nhóm MSM là 10,78%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm thay đổi không đáng kể so với năm 2017 và tăng hơn 1% so với năm 2016, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng giảm so với năm 2017 (12,19%).

Số liệu phát hiện nhiễm mới nhìn chung không có nhiều thay đổi so với năm 2018. Dịch HIV tập trung chủ yếu ở nam giới (chiếm 75%) và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đang có xu hướng giảm, thay vào đó tỷ lệ này nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang ngày càng gia tăng và có khả năng trở thành nhóm chính trong lây nhiễm HIV. Ngoài ra, các nhóm có nguy cơ thấp như nhóm vợ, chồng, bạn tình người nhiễm HIV vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây truyền HIV do khó tiếp cận với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và can thiệp dự phòng.

*Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS năm 2019?

- Kết quả nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 có thể kể đến như: Dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, mức 0,24%; mở rộng và đa dạng dịch vụ xét nghiệm (XN) HIV, phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới; tăng cường huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng vào phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp tục được duy trì và đổi mới. Hiện có gần 53.000 bệnh nhân đang điều trị bằng methadone thường xuyên, hiệu quả cao. Buprenorphine được triển khai ở 7 tỉnh… Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) triển khai tốt. Tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Hiện 4.000 người đang sử dụng PrEP; tỷ lệ duy trì điều trị cao.

Điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, chất lượng điều trị rất tốt. Hiện có 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV. Tỷ lệ tuân thủ sau 12 tháng đạt 88%. Tải lượng virút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%, dưới ngưỡng phát hiện  đạt 92%. Phác đồ điều trị liên tục được cập nhật... Đặc biệt, chúng ta đã chuyển đổi thành công điều trị ARV từ viện trợ sang BHYT, hiện có 40.000 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV qua BHYT.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Tỷ lệ nhiễm HIV nhóm nghiện ma túy có xu hướng giảm  - Ảnh 2.

Tư vấn điều trị ARV cho người nhiễm HIV

*Cụ thể những khó khăn đó là gì?

- Mỗi năm chúng vẫn có 10.000 người nhiễm mới và 2.000 - 3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội. Hơn nữa, nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao.

Rồi khó khăn trong điều phối ARV, bởi đây là giai đoạn chuyển giao thuốc ARV nguồn viện trợ sang nguồn BHYT, đây là năm đầu tiên thực hiện hướng dẫn các tỉnh, thành phố dự trù thuốc ARV nguồn BHYT, kinh nghiệm của cán bộ về dự trù thuốc ARV nguồn BHYT còn hạn chế. Bên cạnh đó, số liệu bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT chưa rõ ràng tại nhiều tỉnh.

Bên cạnh đó là khó khăn về kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS do viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính…

*Vậy thời gian tới, chúng ta sẽ phải tập trung vào những hoạt động gì để tiếp tục duy trì thành quả trong công tác phòng chống HIV/AIDS?

- Trước hết phải đổi mới, mở rộng, nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS.

Triển khai dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV, chú trọng điều trị cho vợ, chồng, bạn tình của người nhiễm, MSM, người chuyển giới ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Đa dạng hóa các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV: Xét nghiệm trong cơ sở y tế, xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên y tế thôn bản hoặc tổ chức cộng đồng thực hiện, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV.

Mở rộng các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV, đặc biệt phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV tuyến huyện đảm bảo việc chuyển gửi xét nghiệm cho kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính không quá 24 giờ.

Mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị thuốc ARV bền vững, sẵn có và dễ tiếp cận; nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS.

Đồng thời, nâng cấp hệ thống báo cáo ca bệnh thành hệ thống giám sát ca bệnh; củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia bảo đảm đầy đủ, kịp thời và dễ tiếp cận.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

HÀ PHƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh