THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:11

Hạn hán nghiêm trọng, không để dân đói, khát

 *Ninh Thuận đề nghị cứu đói

 Là tỉnh có khí hậu khắc nghiệt, mưa ít, nắng nóng, Ninh Thuận đang đối mặt với đợt hạn hán gay gắt nhất trong 10 năm trở lại đây. Từ vụ hè thu 2014 đến nay trên địa bàn hầu như không có mưa, dòng chảy trên các sông, suối đã cạn kiệt. Hiện lượng nước tích còn lại trung bình của 20 hồ chỉ khoảng 13,7%, tổng cộng còn 26/192 triệu m3, thấp hơn cùng kỳ 52 triệu m3.

Thiếu nước khiến sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt… của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số nơi quá khó khăn thậm chí phải trông chờ vào nước xe bồn, xe cứu hỏa được tỉnh huy động, chở từ thành phố về, phân phối với định mức khoảng 20 lít/hộ/ngày.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra tình hình nắng, hạn tại Ninh Thuận

Nắng nóng làm 34 ha lúa huyện Thuận Bắc chết cháy, huyện Ninh Hải 4,4ha, 135 ha cây màu, 75 ha cây ăn quả bị giảm năng suất, hàng nghìn cừu, trâu, bò đang đứng trước nguy cơ không còn thức ăn cũng như nước uống…

 Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, vụ đông xuân phải dừng gieo cấy khoảng 6.100 ha do thiếu nước tưới, trên 8.000 hộ với 34.000 nhân khẩu có khả năng thiếu đói giáp hạt.Trong khi đó, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, đối với tỉnh Ninh Thuận, tình hình nắng hạn sẽ tiếp tục kéo dài và diễn ra trên diện rộng, đến giữa tháng 9 mới bắt đầu có mưa.

Nhiều cánh đồng trồng lúa ở Ninh Thuận khô hạn nhiều tháng nay

Trước tình hình này, tỉnh đã phải “kêu cứu” Trung ương hỗ trợ cứu đói, nước sinh hoạt, kinh phí đào ao, hồ cung cấp nước lâu dài….  đối với hàng loạt địa bàn, hàng ngàn hộ dân trong tỉnh.

 *Không để dân đói, dân khát

Khảo sát các “điểm nóng” về nước trên địa bàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá tình hình hạn hán đang rất nghiêm trọng. Mức thiệt hại  34-35% lúa, hoa màu là rất lớn đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn, cơ cấu nông nghiệp, chăn nuôi vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn như Ninh Thuận.

Với dự báo tình hình sẽ còn khó khăn kéo dài, hạn hán tiếp tục gay gắt ở mức kỷ lục trong nhiều năm, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân, cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nông dân vét những giọt nước cuối cùng

Trước hết, tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động tất cả các đối tượng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước, người dân có giải pháp thay đổi cơ cấu cây trồng, di chuyển vật nuôi đến những điểm thuận lợi hơn về nước, tăng cường phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi và cây trồng, triển khai phòng chống cháy rừng.Tập trung thực hiện các biện pháp bảo đảm nguồn nước, nhất là nước sinh hoạt cho dân, từ việc nạo vét ao, đào thêm giếng,… đến vận tải cung cấp nước, cấp gạo cho các hộ đặc biệt khó khăn. Phó Thủ tướng nêu rõ:“Khó khăn đến mấy cũng không để dân đói, dân khát”

Nước sinh hoạt cũng khan hiếm

 Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đồng ý hỗ trợ 40 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp cứu đói, cấp nước cùng 30 tấn ngô giống, 300 tấn gạo cấp cho người dân ở các khu vực đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh Ninh Thuận cần xem xét việc triển khai các dự án thủy lợi trên địa bàn tỉnh, phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ về chính sách hỗ trợ đặc thù cho tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới. Các dự án đầu tư sẽ được Bộ KH&ĐT tổng hợp trình Thường trực Chính phủ trên tinh thần phân kỳ các dự án ngắn hạn và dài hạn. Các công trình hồ chứa, điển hình như hồ Tân Mỹ đảm bảo đưa dung tích chứa nước hệ thống hồ toàn tỉnh lên gấp đôi sẽ xem xét cân đối, ứng trước để đưa vào hoạt động sớm hơn, đảm bảo nguồn nước dự trữ cho tỉnh Ninh Thuận./.

PT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh