THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:04

Tuyên truyền để người lao động phòng chống dịch và đảm bảo hoạt động sản xuất

Chỉ đạo kịp thời ngay khi phát hiện có dịch

Báo cáo tình hình ứng phó dịch Covid-19 trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, ông Bùi Sỹ Tuấn – Phó Chánh Văn phòng Bộ - Phó Trưởng Ban chỉ đạo của Bộ cho biết, ngay từ khi phát hiện có dịch, Bộ LĐ-TB&XH có Công văn gửi Giám đốc các Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ về việc triển khai thực hiện Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 27/01/2020 về việc phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ tưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, trong đó yêu cầu: Dừng tổ chức các hoạt động sự kiện tập trung đông người liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; Tạm dừng tiếp nhận lao động từ Trung Quốc về quê ăn tết quay trở lại Việt Nam làm việc và lao động là người nước ngoài di chuyển qua các vùng dịch trong thời gian công bố dịch Covid-19; Tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch bệnh; Rà soát thống kế, cập nhật hàng ngày các số liệu, thông tin y tế liên quan đến lao động nước ngoài đến từ các vùng dịch, nhất là lao động Trung Quốc; Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh khử trùng phòng học, nơi học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Đồng thời, Lãnh đạo Bộ tổ chức các buổi làm việc với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Trung Quốc.

Tuyên truyền để người lao động phòng chống dịch và đảm bảo hoạt động sản xuất - Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh yêu cầu mỗi đơn vị phải xây dựng phương án cụ thể ứng phó với Covid-19

Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Nguyễn Thị Quyên cho biết, sau khi Bộ có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, Cục đã thành lập tổ công tác, thường xuyên trao đổi, nắm bắt tình hình rà soát, nắm bắt số lượng lao động Trung Quốc qua Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố, đồng thời có những hướng dẫn trao đổi cách thức tiếp cận người lao động và cách xử lý tình huống để tránh tình trạng lao động đến xin cấp giấy phép gây phản ứng trái chiều.

Ngoài ra, Cục thường xuyên liên hệ với 63 Trung tâm dịch vụ việc làm để tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh và phát miễn phí khẩu trang cho các lao động, doanh nghiệp đến giao dịch tại các Trung tâm.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều đã tổ chức khử trùng trường học, phòng học. Tới thời điểm hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chưa nhận được báo cáo về trường hợp nào mắc bệnh hay có triệu chứng nhiễm bệnh Covid-19.

Ngoài ra, cả nước có 1.603 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ban hành quy định cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2/2020. Đây là các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên - trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp khác. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn bố trí cho học sinh, sinh viên đi học chủ yếu là các doanh nghiệp đào tạo sơ cấp và thường xuyên các ngành nghề về dịch vụ như nấu ăn, pha chế đồ uống, làm đẹp.

Tuyên truyền để người lao động phòng chống dịch và đảm bảo hoạt động sản xuất - Ảnh 2.

Ông Bùi Sỹ Tuấn- Phó Chánh VP Bộ báo cáo tình hình ứng phó dịch Covid-19 trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. (Ảnh: Văn Giáp)

Ông Đặng Sỹ Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, ngay từ đầu tháng 2, Cục đã yêu cầu doanh nghiệp liên hệ đối tác nước ngoài có lao động đi làm việc tại các vùng có dịch để lùi thời gian xuất cảnh. Đối với trường hợp xuất cảnh thì người lao động phải quán triệt tuân thủ nguyên tắc về y tế trong thời gian tiếp nhận và di chuyển. Cục yêu cầu ban quản lý thường xuyên nắm bắt tình hình lao động nếu có bất thường thì thông tin về trong nước xử lý.

Hiện theo thống kê chưa có người lao động nào phát sinh nhiễm bệnh hay phát sinh bất thường tại nước ngoài. Tuy nhiên Cục vẫn yêu cầu thường xuyên theo dõi tình hình. Còn lao động nhập cảnh về Việt Nam, từ đầu tháng 2 đến nay có khoảng 50 lao động về nước nhưng chưa có bất thường nào.

Mỗi đơn vị phải xây dựng phương án cụ thể ứng phó với Covid-19

Tuyên truyền để người lao động phòng chống dịch và đảm bảo hoạt động sản xuất - Ảnh 3.

Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: Văn Giáp)

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục công tác giám sát, theo dõi, báo cáo cập nhật dịch bệnh tại những khu vực có lao động đến từ vùng dịch; các doanh nghiệp có người lao động Trung Quốc, phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng thực hiện giám sát, theo dõi dịch bệnh và khai báo y tế theo đúng quy định nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát.

Lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý các Khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện tốt các nội dung về các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, chú trọng truyền thông, khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao hiểu biết, ổn định tâm lý của người dân; Tổ chức tốt công tác tuyên truyền để người lao động phòng chống dịch và ổn định tâm lý đảm bảo hoạt động sản xuất.

Các địa phương tiếp tục rà soát, kiểm soát số lượng lao động Trung Quốc. Tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch bệnh.

Tổ chức, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch ở một số địa phương tập trung nhiều lao động, đặc biệt là lao động Trung Quốc. Với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh tại các nước tiếp nhận và tạm lùi thời gian xuất cảnh.

Đặc biệt là cần lưu ý về tình hình quan hệ lao động, động viên, nắm bắt tâm tư, ổn định tâm lý của người lao động trong các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp có lao động Trung Quốc…

"Mỗi lĩnh vực phải xây dựng phương án cụ thể ứng phó với dịch bệnh Covid-19 để khi xảy ra tình huống đã có phương án, không bị động và lúng túng. Bên cạnh đó phải đảm bảo kế hoạch hành động của Bộ trong năm 2020.", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh. 

THANH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh