Tướng Long sẵn sàng gọi nhập học nữ sinh 29 điểm, nếu...
- Tây Y
- 03:01 - 18/09/2015
Chân dung Thiếu tướng Trương Giang Long và nữ sinh Nhi.
Sẽ xem xét kỹ càng
Đạt 29 điểm (tính cả 1,5 điểm ưu tiên) trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, tuy nhiên, đến ngày 1/9, nữ sinh Bùi Kiều Nhi (SN 1997, trú xã Đức Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) không đủ điều kiện nhập học vào Học viện Chính trị Công an nhân dân.
Theo thông báo của Công an huyện Tuyên Hoá, nguyên nhân của việc này là do trong phần tự khai lý lịch, Nhi đã bỏ qua án tích của bố mình là ông Bùi Vĩnh Tường (SN 1965, đã mất năm 2013).
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị , kiêm Giám đốc Học viện Chính trị CAND cho biết, ông đã nắm được thông tin về trường hợp của em Bùi Kiều Nhi.
Theo Thiếu tướng Long, sau khi nhận được thông tin báo chí đăng tải về trường hợp này, ông đã chỉ đạo mời phòng Công tác chính trị, phòng Đào tạo - Khảo thí của Học viện lên để làm việc.
"Sau khi xem xét về trường hợp của thí sinh Nhi, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần trao đổi lại với công an địa phương, nên nhà trường có văn bản nêu một số ý kiến của trường gửi về đó.
Còn ở đây, theo quy định của ngành, công an địa phương sẽ sơ tuyển và chịu trách nhiệm về mặt lý lịch. Khi địa phương đồng ý cho thí sinh nhập học thì nhà trường tiếp nhận, còn không đồng ý thì thuộc thẩm quyền của công an địa phương.
Việc phân cấp trong ngành công an rất rõ ràng", Thiếu tướng Long cho hay.
Em Bùi Kiều Nhi ghi sai lý lịch nên không được vào Học viện Chính trị Công an nhân dân. Ảnh: Văn Được/Zing.vn
Cũng theo Thiếu tướng Long, ý kiến trao đổi lại của nhà trường với công an địa phương về trường hợp của thí sinh Nhi xoay quanh 3 điểm chính.
"Thứ nhất là trong trường hợp này, việc anh Tường, bố cháu Nhi vi phạm pháp luật diễn ra trước khi kết hôn nên có thể mẹ cháu không nắm được hồ sơ, lý lịch nên không ghi vào trong lý lịch của cháu là có cơ sở.
Thứ hai, thí sinh này ở vùng nông thôn, được ưu tiên 1,5 điểm nên cũng có thể nhận thức còn hạn chế.
Ở đây, bản thân cháu Nhi vô can, cháu làm sao có thể nắm được thông tin trước khi bố mẹ cháu lấy nhau, cho nên trách nhiệm của cháu rõ ràng là không phải.
Thứ ba, đáng lý ra công an địa phương khi xác nhận hồ sơ, giấy tờ, thẩm tra phải xác nhận cháu kê khai nhưng phát hiện ra mà không hướng dẫn, để cho cháu kê khai thì cũng có một phần lỗi, trách nhiệm chứ không phải chỉ có của cháu, gia đình cháu.
Nên chúng tôi đề nghị công an địa phương hướng dẫn cháu khai lại lý lịch cho đúng với những gì đã có và làm văn bản báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Tổng Cục chính trị CAND", Thiếu tướng Long nêu vấn đề.
Ông Long cho hay, sau khi nhận được báo cáo, lãnh đạo Tổng Cục và ông với tư cách là Phó Tổng Cục trưởng sẽ xem xét.
"Nếu như đáp ứng được đầy đủ yêu cầu thì tôi với tư cách là Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân sẽ sẵn sàng viết giấy gọi cháu nhập học và tạo mọi điều kiện giúp đỡ cháu hội nhập cùng với các em học viên trúng tuyển năm nay", Thiếu tướng Long khẳng định.
Dù được xóa án tích vẫn phải khai vào lý lịch
Theo thông tin chúng tôi có được, anh Tường, bố nữ sinh Nhi buôn gỗ lậu và có hành vi chống lại lực lượng kiểm lâm.
Sau đó, anh bị TAND huyện Tuyên Hoá xử phạt 9 tháng tù, cho hưởng án treo về tội Chống người thi hành công vụ theo bản án số 02 HS-TA ngày 18/5/1992.
Một số ý kiến cho rằng, áp dụng theo quy định của Bộ luật Hình sự thì sự việc sau khi đã trải qua 23 năm, bố em Bùi Kiều Nhi - ông Bùi Vĩnh Tường (SN 1965, mất năm 2013) đã được xóa án tích từ lâu, trở thành một công dân bình thường như bao người khác.
Trả lời về vấn đề này, Thiếu tướng Long cho biết, ông đã nêu ra vấn đề này, nhưng căn cứ vào các quy định riêng của ngành công an rất nghiêm ngặt hiện hành thì thí sinh vẫn phải khai rõ ràng về án tích của bố mình.
Thiếu tướng Trương Giang Long.
"Theo quy định của pháp luật, vụ án của bố cháu diễn ra lâu rồi nên về mặt pháp luật án tích có thể đã được xóa, nhưng dù xóa hay không thì anh có phạm pháp, phạm tội vẫn phải khai vào hồ sơ, lý lịch.
Còn về giá trị thì xin khẳng định, án tích của bố cháu đã được xóa và giá trị kỷ luật không còn, cho nên, cháu vẫn đủ điều kiện để có thể vào học Học viện Chính trị CAND", Thiếu tướng Long cho hay.
Cũng theo Thiếu tướng Long, lỗi sai của gia đình nữ sinh Nhi là không khai vào hồ sơ, nhưng như đã nêu ở trên, án tích này có từ trước khi bố nữ sinh này lập gia đình, cho nên, cả bản thân mẹ có thể không biết và không chịu trách nhiệm về việc đó.
Cùng với đó, thí sinh này sinh năm 1997 mà án tích từ năm 1992 thì càng không thể biết và bố đã mất, trách nhiệm này lẽ ra thuộc mẹ, nhưng mẹ lại không nắm được hay hiểu biết còn hạn chế nên có thể cảm thông.
"Việc cháu không khai vào hồ sơ ở đây là sai rồi, nhưng do lỗi khách quan hay chủ quan thì cần chia sẻ", Thiếu tướng Long bày tỏ thêm.
Bộ Giáo dục - Đào tạo nói gì? Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, nữ sinh Bùi Kiều Nhi gửi thư điện tử cho Bộ trưởng GD&ĐT hai lần, nhưng chỉ nói là do sai sót hồ sơ. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Vụ giáo dục Đại học đã hướng dẫn Nhi nêu rõ nguyên nhân sai sót để có hướng xử lý phù hợp, nhưng chưa trả lời. Theo bà Phụng, trường hợp này thuộc phạm vi chỉ đạo tuyển sinh của Bộ Công an. "Sau khi liên hệ với Cục đào tạo, Bộ Công an, chúng tôi được biết Bộ cũng đang chỉ đạo công an địa phương báo cáo để xử lý", bà Phụng nói. Đồng thời, theo bà Phụng, Vụ cũng đang trao đổi với Nhi và chờ trả lời từ nữ sinh này để biết rõ nguyện vọng của em muốn vào học ở đâu, từ đó trao đổi với trường xét tuyển bổ sung. |