THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:36

Tương lai con ở trong tay bạn

     Con cái là hạnh phúc, là tương lai của cha mẹ. Ai cũng muốn con ngoan ngoãn, tài năng, thành đạt. Nhưng mong muốn nhiều khi quá xa vời, nếu bạn không có phương pháp dạy con. Tại sao có những đứa con làm rạng danh cha mẹ và dòng tộc, lại có những đứa con nghiện ngập, hoặc đối xử với người thân như dã thú?

   Có một câu hỏi mà không bao giờ các bậc phụ huynh xao nhãng, thậm chí còn luôn canh cánh trong lòng, đó là dạy con thế nào cho tốt?

Cha mẹ phải khai phá trí tuệ quý báu nhất của trẻ đừng để trôi qua một cách vô ích.

 Những khả năng trí tuệ của trẻ.

Người ta vẫn thường quan niệm, trẻ em như tờ giấy trắng, các bậc cha mẹ có thể dạy dỗ, điều khiển chúng trở thành người như mình mong muốn. Đây chính là điều sai lầm tệ hại!

 Các nhà khoa học giáo dục Đức đã tiến hành nghiên cứu trên 200 trẻ sơ sinh, sau một thời gian đã kết luận: “Điều quyết định tương lai của một đứa trẻ là những gì nó trải qua trong ba năm đầu đời. Trong ba năm đó, người ta có thể tác động để phát huy hoặc huỷ hoại khả năng của một con người”.

Các nhà khoa học chia sự phát triển trí tuệ của trẻ thành hai bước lớn:

  1. Từ lúc trẻ mới đẻ cho tới 3 tuổi: Đây là giai đoạn phát triển quan trọng nhất, giai đoạn Học tối ưu của trẻ. Lúc này hệ thần kinh và những điểm kết nối quan trọng về cơ bản đã hoàn thành.
  2. Từ sau 3 tuổi trở đi tới tuổi dậy thì: Chỉ có tác dụng củng cố hệ thần kinh đó. Sau đó chỉ có thể xảy ra những thay đổi rất nhỏ trong bộ não trẻ mà thôi.

Đây quả là một nghiên cứu có tác động vô cùng to lớn tới việc giáo dục trẻ em. Cha mẹ đừng để  khoảng thời gian khai phá trí tuệ quý báu nhất của trẻ trôi qua một cách vô ích, chỉ cần giáo dục phù hợp, khai thác hơn 1% khả năng đại não của trẻ là chúng đã vượt lên rất xa. Cần phải tin rằng, mỗi đứa trẻ sinh ra đã là một thiên tài. Nhưng trong quá trình dạy dỗ, chúng ta đã vô tình làm mất đi khả năng này của trẻ. Thiên tài như A.Anhxtanh mà cũng mới chỉ sử dụng tối đa 10% khả năng của đại não. Do vậy, chúng ta không có lý do gì mà không tin vào những khả năng vô tận của trẻ.

 Tám loại trí thông minh của trẻ

Từ trước tới nay, người ta vẫn đồng nhất việc phát triển trí thông minh với khả năng tư duy logic (IQ). Tuy nhiên, cần phải có cái nhìn xác đáng hơn về trí thông minh - cơ sở quan trọng nhất để sau này trẻ có được những thành công lớn trong sự nghiệp và cuộc sống.

Đã từng có thời người ta liệt những đứa trẻ có chỉ số IQ vượt trội - tức là khả năng tư duy logic cao vào hạng những thiên tài, Chúng được vào học trong các trường đại học danh tiếng, trở thành những nhân vật nổi tiếng.

Nhưng trên thực tế, các hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, các vận động viên thể thao, những nhà lãng đạo nổi tiếng… không phải ai cũng có khả năng tư duy logic thật hoàn hảo, vậy mà họ vẫn rất thành đạt. Do vậy một học thuyết mới về trí thông minh ra đời. Theo đó, thì IQ là có 8 khả năng tư duy thông minh của con người, hay còn gọi là “Học thuyết đa thông minh”: bao gồm:

  1. Khả năng tư duy logic.
  2. Khả năng tư duy ngôn ngữ và văn học.
  3. Khả năng tư duy âm nhạc.
  4. Khả năng tư duy không gian, hình ảnh.
  5. Khả năng giao tiếp.
  6. Khả năng tự nhận thức.
  7. Khả năng vận động cơ thể.
  8. Khả năng hướng tới thiên nhiên.

Chỉ cần trẻ có một trong tám trí thông minh này và phát huy được tối đa khả năng của chúng, thì tương lai của trẻ sẽ vô cùng rộng mở. Như chúng ta đã biết, tới 3 tuổi, hệ thần kinh của trẻ đã phát triển tương đối hoàn chỉnh. Do vậy, để phát hiện được trẻ có khả năng nào trong 8 trí thông minh trên là một điều vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng quyết định tới sự thành đạt sau này của trẻ. Và bố mẹ chính là người đầu tiên khai phá, phát hiện khả năng đặc biệt của con mình trong quá trình nuôi dưỡng.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đã là một thiên tài.

 Ba dạng trí thông minh cần phát triển ở trẻ.

Các nghiên cứu cho thấy, giai đoạn từ khi mới sinh cho đến 3 tuổi là thời kỳ đặc biệt quan trọng trong việc hình thành khả năng trí tuệ ở mỗi người. Những nền tảng cơ bản của trí tuệ như cảm xúc, ngôn ngữ, khả năng logic… đều được hình thành trong giai đoạn này. Tuy nhiên, không phải tất cả hình thành trong một lúc mà trong từng thời kỳ, bộ não của trẻ sẽ có những “ưu tiên” phát triển những kỹ năng khác nhau. Đây là điều các bậc cha mẹ nên chú ý để có những biện pháp thích hợp giúp con phát triển trí thông minh ngay từ buổi ban đầu.

Từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi: Giai đoạn phát triển trí tuệ cảm xúc – EQ

Trí thông minh cảm xúc là khả năng thấu hiểu và chia sẻ suy nghĩ của người khác, là một dạng trí tuệ cực kỳ quan trọng quyết định 80% khả năng thành công trong sự nghiệp của mỗi con người.

Sau đây là một số phương pháp để kích thích sự phát triển trí thông minh cảm xúc của trẻ trong giai đoạn này:

-         Tạo một môi trường ổn định và an toàn cho trẻ.

-         Thường xuyên mỉm cười.

-         Diễn tả bằng nét mặt, lời nói những cảm xúc mà bé đang cảm thấy.

-         Tỏ ra quan tâm và muốn chia sẻ khi bé khó chịu

-         Trò chuyện với bé bằng ngôn ngữ của trẻ thơ

-         Mỗi khi phải từ chối một đòi hỏi nào đó của bé, hãy giải thích tại sao bạn làm như vậy, thay vì chỉ nói “Không”.

-         Khuyến khích trẻ giúp đỡ bạn một số công việc nhẹ nhàng đơn giản như gấp quần áo, cất đồ chơi…

-         Biểu lộ sự hài lòng và đừng tiết kiệm những lời khen mỗi khi bé tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép.

-         Kiên trì và từ tốn giải thích cho bé hiểu mỗi khi hành động của bé làm người khác bị tổn thương.

 Từ sơ sinh đến 10 tuổi: Giai đoạn phát triển trí thông minh ngôn ngữ.

Trẻ khi mới sinh ra đều có khả năng tiếp thu như nhau đối với mọi ngôn ngữ. Càng được tiếp xúc với môi trường giao tiếp bằng lời nói của người lớn, bé càng sớm phát triển khả năng ngôn ngữ của mình. Trẻ em trong giai đoạn từ sơ sinh đến 10 tuổi còn có khả năng đặc biệt để nhận biết và ghi nhớ các đặc điểm ngữ pháp và cấu trúc xây dựng câu mà người lớn khi học một thứ ngôn ngữ mới không thể nào có được.

Sau đây là những lời khuyên giúp bạn định hướng và phát triển khả năng ngôn ngữ cho trẻ:

-         Bắt đầu đọc sách cho bé nghe ngay từ những tháng đầu sau khi bé chào đời.

-         Chỉ cho bé thấy và gọi tên những đồ vật xung quanh.

-         Mỗi khi nói chuyện với bé, hãy phát âm các từ thật rõ ràng.

-         Cho bé học một ngoại ngữ từ khi còn bé.

 Trẻ bắt đầu học ngoại ngữ càng sớm càng tốt

Nói chung, trẻ bắt đầu học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Khi một em bé mẫu giáo được bố mẹ cho học ngoại ngữ, bé sẽ thấy đó là một trò chơi thú vị, còn khi đã vào trường tiểu học, bé bắt đầu coi học ngoại ngữ là một nhiệm vụ và rất có thể không thích như vậy. Vì thế các chuyên gia về tâm lý và giáo dục cho rằng, tốt nhất các ông bố bà mẹ nên bắt đầu cho bé làm quen với ngoại ngữ từ lứa tuổi mẫu giáo. Tuy chỉ khi lên 5 bé mới có khả năng ghi nhớ chính xác các từ ngữ tiếng nước ngoài, nhưng việc được tiếp xúc sớm sẽ tạo thuận lợi cho bé sau này trong phát triển phản xạ và khả năng phát âm.

-         Cố gắng dành thời gian mô tả cho bé những công việc mà bạn đang làm hàng ngày.

-         Hát cho bé nghe những bài hát đơn giản và dạy cho bé thuộc theo kiểu truyền khẩu.

-         Khi bé đã đủ lớn, hãy tìm những trò chơi ngôn ngữ như chơi ô chữ hoặc đố vui ghép từ để cùng chơi với bé.

 Từ 1 đến 5 tuổi: Giai đoạn phát triển trí thông minh lôgic.

Đó là khả năng giải quyết vấn đề có liên quan trực tiếp đến khả năng thị giác, thính giác và xúc giác của bé. Nhưng còn một điều thú vị khác mà không phải bà mẹ nào cũng biết, đó là khả năng toán học ở trẻ thường phát triển cùng với khả năng âm nhạc. Sau đây là một số lời khuyên:

-         Đưa cho bé những đồ vật với nhiều hình dạng, màu sắc và chất liệu khác nhau để bé quan sát và nhận xét.

-         Cho bé nghe nhạc cổ điển.

-         Trong điều kiện gia đình, hãy cho bé chọn và chơi một loại nhạc cụ nào đó.

     -    Treo một tấm gương nhỏ trong phòng của bé.

-         Khi bế bé ra ngoài dạo chơi, hãy để bé quay mặt ra ngoài đường vì như vậy sẽ giúp bé có nhiều cơ hội quan sát cuộc sống hơn.

-         Hãy chọn cho bé chơi những thứ đồ chơi phát ra âm thanh dễ chịu mỗi khi bé cầm.

-         Dạy cho bé cách sắp xếp đồ vật theo chủng loại, chẳng hạn như quần và áo có thể để chung với nhau, nhưng quần áo không nên để chung với bát đĩa…

-         Dạy cho bé đếm số và hãy cùng bé thực hành kỹ năng mỗi khi có thể.

-         Từ 4-5 tuổi có thể dạy bé học thuộc các chữ cái, tập đọc những từ đơn giản.

 Hãy cho bé chọn và chơi một loại nhạc cụ nào đó.

-         Bắt đầu chơi một nhạc cụ: Việc học chơi nhạc cụ chỉ nên bắt đầu khi bé lên 5 tuổi. Ở lứa tuổi này, bé đã có thể ngồi một chỗ và tập trung tư tưởng trong ít nhất nửa giờ. Đó là điều kiện cần thiết để bắt đầu bài học với các nhạc cụ.

     Tuỳ từng trường hợp cụ thể, mong rằng bố mẹ sẽ dạy dỗ con trẻ, giúp chúng phát triển được năng lực bẩm sinh (IQ), cũng như hoàn thiện nhân cách (EQ) một cách tốt nhất.

Chúc Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh