CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:27

Tuổi lên ba của các bé trong ca sinh năm đầu tiên tại Việt Nam

 

5 bé theo thứ tự từ trái qua phải: Út, Tư, Ba, Hai, Cả - Ảnh: GĐCC.

 

Giống như bất kỳ những đứa trẻ dưới ba tuổi nào, các bé cũng thỉnh thoảng ho, chảy mũi khi thời tiết thay đổi, đôi khi ốm vặt do sức đề kháng còn kém. Có điều mấy anh em thường xuyên ốm đồng thời khiến mẹ và bà chăm vất vả hơn. Bọn trẻ cũng phát triển bình thường như bất kỳ những đứa trẻ nào khác, 8, 9 tháng bập bẹ những tiếng ba, mẹ đầu tiên, 15 tháng biết đi, 32 tháng tuổi nói bi bô suốt ngày. Năm đứa trẻ mỗi đứa mỗi vẻ, đứa mắt tròn to, đứa mắt một mí, đứa cao, đứa thấp, đứa giống bố, đứa giống mẹ, đứa giống bà nội… mà nếu không được giới thiệu có lẽ sẽ nhiều người không đoán được các bé là anh chị em sinh năm.

 Cách đây gần ba năm, ngày 17/3/2013, ca sinh năm hiếm gặp của sản phụ 28 tuổi Lê Huỳnh Anh Thư đã trở thành một sự kiện của ngành y. Đây là ca sinh năm đầu tiên và duy nhất từ trước đến nay tại một bệnh viện ở Việt Nam. Sinh non ở tuần thứ 34 nhưng sức khỏe của cả năm bé đều tạm ổn, hai bé nhẹ cân nhất phải nằm trong lồng kính hơn một tuần.

5 bé ngày mới chào đời, vẫn còn nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: Thiên Chương.

 

Không thấy tin vui sau hơn một năm kết hôn, anh Hiếu lại khá lớn tuổi, lúc đó đã gần 40, chị Thư mới áp dụng phương pháp kích trứng để thụ thai. Mẹ anh Hiếu nói vui, bà từng mong con dâu sinh đôi vì bà có duy nhất một đứa con nhưng cuối cùng quá bất ngờ khi có đến 5 đứa cháu. Trước ngày sinh, bác sĩ siêu âm chỉ phát hiện 4 thai nhi, cả nhà chuẩn bị đồ cho bốn đứa nhỏ: 4 cái gối, 4 bình sữa… Ông nội vốn là người Hoa cũng đặt sẵn tên các cháu là Huynh, Đệ (cho hai bé trai), Phượng, Mũi (cho hai bé gái). Một bé trai bất ngờ xuất hiện thêm, gia đình coi như lộc trời cho, do đó bé trai thứ ba mang tên Lộc.

Bây giờ khi được hỏi tên, các bé rất hào hứng giới thiệu: Cả Huynh, Hai Đệ, Ba Lộc, Tư Phượng, Út Mũi. Năm đứa trẻ đang tuổi tập nói, bi bô suốt ngày. Những lúc chúng không đi học, ngôi nhà nhỏ khoảng 30 mét vuông trong con hẻm trên đường Trần Bình Trọng, quận 5, TP HCM lại náo nhiệt như một cái nhà trẻ: tiếng nói, tiếng hát, tiếng hò hét, thỉnh thoảng lại có tiếng khóc vì bọn trẻ chòng ghẹo nhau.

Gần 3 tuổi, bọn trẻ đã biết nhiều thứ, muốn đi tiêu đi tiểu đã biết gọi người lớn. Nuôi đỡ cực hơn nhưng chị Thư và bà nội bọn trẻ lại bắt đầu vất vả trong việc phân xử những vụ tranh chấp, giành nhau đồ chơi, giành mẹ, giành bà... 

"Đứa nào cũng nghịch, chẳng đứa nào hiền cả", người mẹ kể. Chúng sẵn sàng đẩy nhau để giành phần thắng về mình. Rồi bọn trẻ cùng nhau vẽ khắp tường nhà, vẽ lên ông Địa, leo trèo để lấy đồ khiến bà và mẹ không khi nào dám rời mắt. Tuy hay tranh giành nhau nhưng chỉ cần không nhìn thấy một đứa là bốn đứa còn lại thắc mắc. Hồi mấy bé chưa đi học, chị Thư mang hai con gửi về nhà ngoại nuôi đỡ. Mấy đứa trẻ nhớ nhau, khóc lóc gọi nhau suốt ngày làm bố mẹ phải bỏ ý định tách chúng ra.

Hàng ngày, khoảng 6h, 6h30, lần lượt từng bé được mẹ và bà nội đánh thức dậy, tắm rửa, lau tai, lau mũi. Xong bé này đến bé khác vì người lớn không thể quản nổi cùng lúc năm đứa nhỏ. Việc đến trường của các bé cũng không đồng thời. Mỗi sáng chị Thư phải ba lần đưa rước con đến trường, hai bé đi lượt đầu, hai bé đi lượt thứ hai, và một bé đi lượt cuối cùng. Hôm nào anh Hiếu không chạy taxi thì hai vợ chồng cùng đưa con đi. Năm bé học ở 2 trường khác nhau. Ba bé khỏe hơn (Cả, Ba, Tư) đi học từ khi mới mười tám tháng tuổi, học cùng một trường. Hai bé yếu hơn, là Hai và Út qua hai tuổi mới đi học, thì học một trường khác.

Sau khi các con đi học, mẹ ở nhà tranh thủ giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, bà nội đi chợ mua thức ăn. 15h30 chiều, chị Thư chuẩn bị nấu nướng cho các con trước khi đi đón bọn trẻ. 16h, chị lại ba lượt hành trình rước con về. Khi bọn trẻ đã về nhà đông đủ, chúng bắt đầu bữa ăn chiều. Mẹ đút cho Hai, Ba - hai cậu con quậy nhất nhà trong bếp. Bà nội phụ trách cậu Cả cùng hai cô em gái ở phòng ngoài. Chỉ khoảng 20 phút là bữa ăn kết thúc.

Bọn trẻ rất tinh, chỉ cần bà hay mẹ nhầm tay đút thìa của đứa này sang miệng đứa khác là chúng phản đối. Cũng như thế, quần áo giày dép của năm đứa được phân biệt rất rõ ràng. Mấy anh chị em ít khi mặc quần áo giống nhau. Bà nội đi chợ, thấy bộ nào đẹp và rẻ sẽ mua về cho các cháu, nhưng không đủ tiền nên mỗi lần bà chỉ mua một, hai bộ. Mẹ và bà đôi lúc quên, lấy quần áo của đứa này mặc cho đứa khác là chúng lại giãy nảy lên phản đối.

Trước khi bắt đầu đi ngủ lúc 20h30, mỗi đứa được pha cho một bình sữa, tự cầm tu. Rồi chúng được tắm sơ qua một lần cho mát để ngủ ngon. Sau đó, trên hai chiếc đệm kê sát nhau trên gác xép của ngôi nhà cấp bốn, năm anh em nằm cạnh bà và mẹ. Thường hai cô con gái được cho đi ngủ trước, ba anh lớn ngủ sau. Hôm nào bọn trẻ buồn ngủ thì đến 21h30 là chúng đã yên ắng, nhưng cũng có hôm chúng quấy, cả tiếng sau mới ngủ say. Chỉ cần một đứa thức là tất cả cùng không ngủ được.  

Bọn trẻ làm điệu trước giờ đi ngủ, thứ tự từ trái qua phải: Tư, Hai, Út, Cả, Ba - Ảnh:GĐCC.

 

Chăm năm đứa trẻ vất vả gấp năm lần sinh con một. Sau khi sinh chị Thư phải nghỉ việc. Bây giờ các con đi học, chị bắt đầu công việc bán hàng online để có thời gian linh động. Từ khi có cháu, bà nội các bé cũng giảm 5kg vì phụ con dâu chăm bọn trẻ. Mẹ đẻ chị Thư lên TP HCM hỗ trợ một thời gian, nhưng còn công việc dạy học dưới quê nên bà không thể ở lâu.

Thành quả tuyệt vời của mẹ và bà nội các bé

Cậu anh cả lúc ra đời được 2kg giờ đã nặng 13,5kg, cao 92cm.
Anh Hai từ 1,3kg giờ nặng 11kg, cao 89cm. 
Anh Ba từ 1,5kg giờ nặng 15kg, cao 90cm.
Em Tư: 1,8kg - 13,5kg, 91cm.
Bé Út: 1,3 kg - 10,5kg, 88cm.

Bọn trẻ đều biết khoanh tay chào bà khi đi học về, khi có khách đến nhà, thuộc lòng một số bài hát...

Những con số khiến anh Hiếu chị Thư lo lắng:

40 lon sữa công thức loại 400g là lượng sữa các bé uống hết trong một tháng. Hiện nay số sữa này được một hãng sữa tài trợ, tuy nhiên hợp đồng tài trợ chỉ kéo dài 3 năm.

Hơn 20 triệu là tổng chi phí cho các bé hàng tháng: tiền sữa (đã được tài trợ), tiền ăn, quần áo.... Trong đó, tiền học cho các bé xê dịch 6-7 triệu tùy từng tháng. Công ty Mai Linh nơi anh Hiếu công tác mỗi tháng hỗ trợ 5 triệu cho đến khi các bé 18 tuổi.

5-10 cái bỉm mỗi ngày (hiện giờ các bé chỉ đóng bỉm lúc đi ngủ). Trước đây, thời các bé còn dùng bỉm ban ngày, cứ hai ngày chị Thư phải mua một lố tã, gồm 4 bịch, mỗi bịch hơn 50 cái. Đặc biệt, hồi 9 tháng tuổi, các bé bị tiêu chảy, chỉ trong một tháng dùng hết 12 thùng tã.

Kim Kim/vnexpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh