CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:44

Tưng bừng lễ hội Lê Hoàn

.

Các tiết mục văn nghệ tại Lễ khai mạc Lễ hội Lê Hoàn

Lễ hội Lê Hoàn diễn ra hàng năm từ ngày 7 đến 9/3 âm lịch. Với một ý nghĩa xuyên suốt là “Uống nước nhớ nguồn”, phần lễ bắt đầu bằng lễ dâng hương rước kiệu tưởng nhớ công đức của Lê Hoàn và các tướng lĩnh. Sau lễ mít tinh kỷ niệm là màn nghệ thuật sân khấu hóa, nêu bật tài năng, đức độ và công lao to lớn của vua Lê Đại Hành trong việc dẹp nội loạn, chống ngoại xâm giữ yên bờ cõi, xây dựng nền an ninh – quốc phòng vững mạnh, phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội…

Nghi lễ tại lễ hội Lê Hoàn

Những việc làm thuận lẽ trời, hợp lòng dân của nhà vua Lê Đại Hành đã góp phần làm rạng rỡ trang sử chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước của dân tộc ta. Đồng thời, đã tái hiện một trong những sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu giờ khắc lên ngôi của vị anh hùng dân tộc: Thái hậu Dương Vân Nga khoác Hoàng bào lên vai vị Thập đạo tướng quân tài ba. Sự kiện ấy cũng là sự kiện mở đầu cho sự ra đời của vương triều Tiền Lê trong lịch sử dân tộc.

Du khách dâng hương tại đền thờ Vua Lê Hoàn

Trong lễ hội “Trại binh thời Lê Hoàn” đã được các làng văn hóa tiêu biểu huyện Thọ Xuân tái hiện lại. Ngoài ra, còn có diễn tích cày ruộng, để ghi nhớ công ơn của vua Lê Đại Hành – người đã từng đích thân cày ruộng vào một ngày đầu xuân năm Đinh Hợi 987 và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian; hoạt động thể dục – thể thao khác, như thi đấu vật dân tộc, bóng chuyền, cờ tướng, kéo co.

Nhiều tiết mục sinh hoạt dưới thời triều Lê Hoàn được tái hiện

Đặc biệt, nhiều tục lệ độc đáo gắn liền với những sinh hoạt dưới triều Lê Hoàn vẫn còn lưu giữ đến ngày nay, như thi làm bánh lá răng bừa (gắn với việc Lê Hoàn đích thân cày ruộng), tục tiến cốm, xôi nén, tục chạp lăng, chạp mộ cũng sẽ được tái hiện lại.

Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị Hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc, mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Ghi ơn những công lao to lớn của ông, nhân dân đã lập đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) quê hương ông. Đền thờ Lê Hoàn hiện được xem là ngôi đền cổ nhất xứ Thanh.

Rất đông du khách thập phương đến dâng hương đền thờ Vua Lê Hoàn

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, qua sự khắc nghiệt của thời gian, đến nay, đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập đã được tu bổ, tôn tạo khá khang trang, nhưng vẫn bảo tồn nguyên dáng vẻ cổ kính.

Hoàng Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh