THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:09

Tuần lễ cấp cao APEC 2017 - Cú hích lớn cho kinh tế Việt Nam

 

 

APEC 2017 sẽ tạo ra cú hích lớn cho kinh tế Việt Nam

Sơ lược về APEC ra đời vào tháng 11/1989 với 12 nước thành viên ban đầu. Đến nay, APEC đã có 21 nền kinh tế thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới, đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50% thương mại thế giới. Nội dung hoạt động của APEC xoay quanh ba trụ cột chính là: tự do hoá thương mại và đầu tư; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, hợp tác kinh tế kỹ thuật với các chương trình hành động tập thể; và chương trình hành động quốc gia của từng thành viên. Mục tiêu của APEC không phải là để xây dựng một khối thương mại, một liên minh quan thuế quan hay một khu vực mậu dịch tự do như kiểu EU, NAFTA hay AFTA, mà là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.

Vai trò của APEC đối với các nền kinh tế thành viên

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng phát triển tất yếu và ngày càng được mở rộng với các cơ chế đa phương và khu vực. Trải qua quá trình 25 năm hình thành và phát triển, APEC đã khẳng định được vị thế và vai trò đầu tàu của khu vực trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Sau gần 20 năm gia nhập APEC, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào tiến trình hợp tác của diễn đàn này. APEC đã và đang mang lại cho các nền kinh tế thành viên nhiều cơ hội phát triển. Với quy mô và vị thế của mình, APEC có vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực và là cái nôi của các ý tưởng hợp tác, liên kết khu vực, vì thịnh vượng chung của châu Á - Thái Bình Dương. Các nền kinh tế thành viên của APEC đang cố gắng xây dựng một hệ thống thương mại đa phương bền vững, minh bạch, lấy luật và thông lệ làm cơ sở và là nền tảng quan trọng cho thương mại quốc tế.

Cơ hội vàng cho Việt Nam

Tuần lễ cấp cao APEC 2017 dự kiến diễn ra từ ngày 6-11/11 tới tại Đà Nẵng, trong đó sự kiện quan trọng nhất là Hội nghị Cấp cao với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên và khoảng 10.000 đại biểu chính thức, báo chí nước ngoài và nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức. Qua đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh về du lịch, mời gọi đầu tư, tăng cường giao thương với các nước. Đặc biệt, tham dự Tuần lễ cấp cao APEC lần này có Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhân vật được mong đợi nhất sau những phát ngôn về chủ nghĩa bảo hộ và quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, Năm APEC 2017 do Việt Nam tổ chức là sự kiện quan trọng nhất của diễn đàn hợp tác kinh tế này từ trước tới nay. APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực khởi sắc hơn, liên kết kinh tế quốc tế tiếp tục được thúc đẩy mặc dù tốc độ có phần chậm lại do chủ nghĩa bảo hộ của các nước và tính bất định của TPP do Mỹ tuyên bố rút khỏi.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu gỗ và SP từ gỗ của VN năm 2016 (Nguồn Tổng cục thống kê)

Theo thống kê, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng tương đối hiệu quả cơ hội tiếp cận và khai thác thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 khoảng 98,37 tỷ USD, năm 2015 đã tăng lên 106,12 tỷ USD và đến năm 2016 đạt trên 119,69 tỷ USD. Bảy nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là: Hoa Kỳ (đứng đầu), Trung Quốc (thứ 2), Nhật Bản (thứ 3), Hàn Quốc (thứ 4), Hồng Kông - Trung Quốc (thứ 5), Malaysia (thứ 9) và Singapore (thứ 10).

Cho đến nay, 13 trên tổng số 15 các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam là được ký với 18 nền kinh tế thành viên APEC. Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực tận dụng các chương trình hợp tác trong khuôn khổ APEC, từng bước điều chỉnh cơ chế, chính sách, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tháo gỡ dần các rào cản về thương mại và đầu tư cho phù hợp với luật chơi chung. Qua đó, Chính phủ đã và đang tận dụng hợp tác APEC cũng như các quan hệ song phương với các thành viên của diễn đàn nhằm mở rộng cơ hội thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp dồi dào và ổn định, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường chuyển giao công nghệ hiện đại, đồng thời góp phần tích cực thúc đẩy năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nội địa.

APEC 2017 hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đẩy mạnh quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác song phương, đồng thời là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác đầu tư kinh doanh. Sự kiện này thực sự tạo ra “cú hích” cho du lịch, thương mại và đầu tư của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các kênh quan trọng như: Đối thoại giữa Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và Chính phủ hằng năm; Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC và nhiều chương trình khác do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện. Qua đó, giúp giải quyết những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực, đồng thời mở ra những cơ hội lớn về hợp tác kinh doanh. Thông qua hợp tác APEC, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ tiếp cận và tham gia mạnh mẽ, toàn diện hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, thông qua việc tăng cường kết nối các hoạt động dịch vụ phát triển kinh doanh như: logictics, tài chính, thương mại điện tử,… Môi trường kinh doanh trong khối APEC và các chính sách hỗ trợ phát triển sẽ tiếp tục được cải thiện theo hướng thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam.                                                                                                

ThS. Lê Hoàng Trọng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh