THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:11

Tự tình về những ván cờ “bệt” với ông Nguyễn Bá Thanh

Hôm nay (24 tháng chạp) là giỗ đầu Cố Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh. Từ những ngày trước, hàng trăm người dân Đà Nẵng đã đến viếng mộ, nhà để thắp hương, thăm ông, cầu mong ông sớm vãng sinh cực lạc... Hình ảnh ông đến nay vẫn gần gũi, thân thương, tự tại như mây trời trong lòng người dân Đà Nẵng. Có một bức ảnh để lại, đi vào lịch sử thành phố, thể hiện tính cách gần gũi giữa lãnh đạo với người dân- bức ảnh ông ngồi đánh cờ bệt trên bờ sống Hàn. Anh Nguyễn Hữu Hùng, người trong bức ảnh, gửi đến báo Lao Động bài viết cảm động trong ngày giỗ ông Nguyễn Bá Thanh.

 

Tấm ảnh Cố Trưởng ban Nội chính trung ương đánh cờ "bệt" bên bờ sông Hàn đã đi vào lịch sử thành phố

Là người yêu thích môn cờ tướng nên mỗi chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tôi thường la cà bờ sông Hàn để vui chơi cờ tướng cùng những người dân ra đón gió mát của dòng sông thơ mộng... Chơi riết rồi quen, rồi ghiền. Chẳng biết từ khi nào, rảnh rỗi công việc là đi ra bờ sông đánh cờ ...

Chiều hôm đó là ngày Quốc khánh 2.9.2013... Đang ngồi bệt hè phố đánh với bạn cờ quen có tên gọi là anh Râu (đặc điểm có vài sợi râu ở nốt ruồi dưới cằm và vì không biết tên), tôi ngước nhìn lên thì thấy anh Bá Thanh - Trưởng ban nội chính Trung ương - đang nhìn chúng tôi đánh cờ... Bỗng anh nói: Cho tôi chơi với!".

Tôi vội đứng dậy nhường lại bàn cờ để anh ấy đánh với ai đó,nhưng không, anh chỉ tay thẳng vào tôi và nói: " Ông đánh với tôi chứ !".

Phút đầu tôi e ngại, nhưng nhìn anh thân thiện, không khách sáo nên ngồi xuống cùng chơi, ván 1, ván 2..., mãi đến ván cờ thứ 5... Sau những thế bắt quân cho đến bày binh bố trận, qua lại thắng ,thua.. những ván cờ làm hàng trăm người xúm lại im lặng, chú tâm theo dõi cuộc đấu trí.

Thực ra cờ tướng là môn trí tuệ đỉnh cao, hơn nữa là bày binh bố trận trong bàn cờ luôn thể hiện cá tính, nhân cách của người cầm quân. Ông suy nghĩ nhanh, đi cờ biến ảo, nhưng vô cùng chắc chắn. Chứng tỏ một con người bản lĩnh, sắc sảo và quyết đoán.

Ai cũng biết về anh ấy, tôi cũng biết về anh... Nhưng những ván cờ bệt giữa tôi và anh ấy như là một nhân duyên để gặp nhau tri kỷ... kết thúc chuyện thắng thua không quan trọng,chỉ có tình người là quan trọng hơn cả... sau những ván cờ đó anh ra về cùng cái bắt tay ấm áp...

Tôi nói: "Cảm ơn anh đã chơi cùng tôi".

Anh cũng nói lời cảm ơn tôi cùng mọi người đã chơi hết mình..., rồi nhìn về phía công trình cầu Rồng đang xây dựng dang dở.

Tôi hỏi: "Anh ra Hà Nội rồi mà?", Anh trả lời: "Ra rồi lại về... vì mình vẫn còn việc tại Đà Nẵng, làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố". Chốc lát sau anh nói: "Thôi, tôi ra xem cầu Rồng cái đã".

Cầu Rồng- công trình tâm huyết của Cố Trưởng ban Nội chính trung ương, những ngày đang xây dựng trước đây

 Rồi ít lâu sau, nhận tin anh ngã bệnh, tin anh trở về trên chiếc băngca, rồi tin anh không bước qua được định mệnh... Thương lắm, thương nhiều lắm anh ơi! Nhớ lắm những ván cờ bệt hè phố sông Hàn... Người dân thành phố Đà Nẵng ai cũng yêu thương anh như người thân ruột thịt. Một người lãnh đạo đã quên mình để chăm lo cho nhân dân, hy sinh cái lợi ích riêng để chăm lo đến việc phát triển tương lai cho quê hương Đà Nẵng.

Những ván cờ bệt hè phố sông Hàn cùng anh đã đi theo tôi suốt cả phần đời còn lại với phố phường Đà Nẵng, và dưới nấm mồ kia, không biết anh có còn nhớ không..?

Ngọn gió sông Hàn luôn gợi nhớ trong tôi. Người dân thành phố hàng ngày vẫn đứng đó để ngắm nhìn cầu Rồng xinh đẹp... và nhớ dáng đến trầm tư của anh bên bờ sông Hàn.

Ngậm ngùi thương tiếc tiển đưa anh đi về cùng đất mẹ, nhưng nhớ lắm anh Thanh ơi!

Đà Nẵng, ngày 26.1.2016.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh