THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:10

Tự nguyện về nước được miễn xử phạt

 

Khuyến khích lao động bất hợp pháp hồi hương 

Vào tháng 5/2015, Hàn Quốc đã thực hiện chính sách khuyến khích người lao động bất hợp pháp tự nguyện hồi hương. Theo đó, người lao động bất hợp pháp nếu tự nguyện hồi hương sẽ không bị phạt tiền, không bị tạm giam và giảm thời hạn cấm nhập cảnh trở lại Hàn Quốc xuống còn 2 năm. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động Việt Nam đăng ký tự nguyện về nước vẫn thấp nhất trong các nước phái cử.

 Một trong những nguyên nhân là lao động Việt Nam vẫn e ngại khi về nước sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP. Do đó, nhằm khuyến khích lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước, góp phần giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tạo thuận lợi cho việc ký lại Bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc, ngày 7/9/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 62/NQ-CP, trong đó nêu rõ: Người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng, hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép, sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 1/9 đến hết ngày 31/12/2015 thì không bị phạt tiền theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP. 

Một người bỏ trốn, nhiều người mất cơ hội 

Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS từ tháng 8/2004. Tuy nhiên, tình trạng lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã ảnh hưởng lớn đến hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực này. Cụ thể: Từ tháng 8/2012, phía Hàn Quốc đã không tái ký với Việt Nam bản ghi nhớ về việc tiếp nhận mới lao động Việt Nam sang làm việc khiến hàng chục nghìn lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc không còn cơ hội.

 

 

Lao động Việt Nam học an toàn lao động tại Hàn Quốc.

 Trước thực trạng trên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp, chính sách như: Ký quỹ, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tái hòa nhập, xử phạt hành chính, hạn chế tuyển chọn lao động ở các địa phương có tỷ lệ người cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao, chỉ tuyển lao động trong ngành ngư nghiệp ở những xã ven biển có nghề đánh cá... nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú và làm việc bất hợp pháp. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một biện pháp chế tài có tính răn đe đối với người lao động.Theo đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với người bỏ trốn, phá hợp đồng lên đến 100 triệu đồng, xử phạt lao động vi phạm với mức 90 triệu đồng. Cục Quản lý lao động ngoài nước và các địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị vận động thân nhân gia đình người lao động ở trong nước, và tới trực tiếp người lao động tại Hàn Quốc để kêu gọi họ về nước đúng quy định.

Hàng chục nghìn lao động đang chờ cơ hội 

Bên cạnh việc truy quét lao động bất hợp pháp, phía Hàn Quốc cũng tạo điều kiện cho người lao động hết hợp đồng về nước đúng thời hạn có nguyện vọng quay trở lại làm việc lần 2 với thời gian tối đa là 4 năm 10 tháng, đồng thời cũng thắt chặt các chi trả bảo hiểm hồi hương và bảo hiểm mãn hạn xuất cảnh. Lao động chỉ được trả tiền bảo hiểm sau khi hoàn thành các thủ tục xuất cảnh tại sân bay Hàn Quốc hoặc sau khi nhập cảnh Việt Nam 14 ngày...

Có thể nói, những chính sách, biện pháp bước đầu đã có tác động tích cực khi tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 55,76% năm 2012 xuống còn 43,55% năm 2014. Tuy nhiên, so với mức chung của 14 nước phái cử lao động sang Hàn Quốc, tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước vẫn ở mức cao.

Để thực hiện chính sách khuyến khích người lao động bất hợp pháp tự nguyện hồi hương, về phía các cơ quan hữu quan Hàn Quốc, ngoài việc tích cực hỗ trợ các thủ tục thanh lý hợp đồng cho lao động về nước đúng hạn cũng như các thủ tục xuất cảnh cho lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước, phía Hàn Quốc cũng tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm truy quét số lao động bất hợp pháp không tự nguyện về nước.

Đến ngày 31/12, nếu tỷ lệ lao động bất hợp pháp người Việt tại Hàn Quốc giảm xuống dưới 28% thì Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc sẽ ký lại MOU thông thường về việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS. Đây sẽ là cơ hội cho hàng chục nghìn người lao động đang chờ đợi ở trong nước có cơ hội sang lao động tại một thị trường có thu nhập tương đối cao như Hàn Quốc.

Minh Vũ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh