CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 07:01

Từ ngày 27/4 đến nay, TP HCM có tổng cộng 8.151 trường hợp nhiễm COVID-19

Tính từ 6 đến 18 giờ ngày 7/7, Bộ Y tế đã công bố thêm 496 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy tính từ 18 giờ ngày 6/7 đến 18 giờ ngày 7/7, Thành phố ghi nhận 766 trường hợp nhiễm mới là: BN22072-BN22341, BN22395-BN22741, BN22923-BN23071.

Theo đó, 766 trường hợp nhiễm mới bao gồm 580 trường hợp là các tiếp xúc được truy vết, đã cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa và 186 trường hợp đang điều tra dịch tễ.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có tổng cộng 8.151 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố.

Thành phố đã làm việc với các chuỗi cung ứng, hệ thống doanh nghiệp để gia tăng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua các kênh mua bán hiện đại, giao dịch qua thương mại điện tử, đảm bảo nguồn cung ứng dồi dào và tăng thời gian hoạt động của các điểm bán hàng. Người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực, thực phẩm trong tất cả tình huống. Hạn chế di chuyển và tập trung đông người tại các khu vực mua sắm để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.

Từ 0 giờ ngày 9/7/2021, toàn Thành phố sẽ áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày. Người dân chỉ được ra khỏi nhà trong các trường hợp cần thiết: Mua thực phẩm, thuốc men, thực hiện công vụ. Người dân Thành phố hãy tin tưởng, chung sức cùng lãnh đạo Thành phố trong thời gian 15 ngày giãn cách xã hội. Phát huy tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch. Đồng thời ủng hộ, cảm thông khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội.


Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 8.151 trường hợp nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 tại TP Thủ Đức khu vực II (Nguồn: Văn Tùng - Trung tâm Y tế TP Thủ Đức).

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã vượt qua con số 7.000 trường hợp và dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, việc bổ sung thêm các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc đang được cách ly (F1) không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (chiếm khoảng 80% các trường hợp) là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế vừa giảm tải cho các bệnh viện đã chuyển đổi công năng.

Hiện Thành phố đã có các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp COVID-19 nặng và nguy kịch (tương ứng tầng 3 của mô hình tháp 3 tầng) và các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 có triệu chứng hoặc không có kèm bệnh lý nền (tương ứng tầng 2 của hình tháp) với tổng công suất là 5.000 giường. Để đáp ứng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhu cầu cấp bách hiện nay là cần bổ sung các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị (tương ứng tầng 1 của hình tháp) để tiếp nhận cách ly ngay các trường hợp mới mắc hoặc đang cách ly (F1, F2) chuyển sang F0, quy mô các bệnh viện này đòi hỏi phải đủ lớn để chủ động cách ly ngay số lượng lớn các trường hợp (+) mới được phát hiện (tương ứng tầng 1 của hình tháp).

Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 8.151 trường hợp nhiễm COVID-19 - Ảnh 2.

Theo đó, tương ứng với kế hoạch ứng phó dịch COVID-19 với kịch bản 10.000 rồi 15.000 ca mắc, BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 với quy mô 4.000 giường đã đi vào hoạt động hơn 10 ngày qua và từ ngày 4/7/2021, ngành Y tế Thành phố đã triển khai thêm BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2 với quy mô 2.000 giường, từ ngày 7/7/2021, BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3 quy mô 3.000 giường và BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 quy mô 3.000 giường bắt đầu đi vào hoạt động.

Cả 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 đều tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có là các ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia (BV dã chiến số 1), các khu nhà tái định cư của Thành phố chưa đưa vào sử dụng hoặc chưa đấu giá (BV dã chiến số 2 - khu nhà tái định cư ở quận 12, BV dã chiến số 3 - khu nhà tái định cư ở TP Thủ Đức, BV dã chiến số 4 - khu nhà tái định cư ở huyện Bình Chánh). Để có thể nhanh chóng chuyển đổi các cơ sở hạ tầng sẵn có trở thành bệnh viện dã chiến và sớm đi vào hoạt động, Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, Bộ Tư lệnh Thành phố, Ban Quản lý Ký túc xá ĐHQG TPHCM dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND TP.

Hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố cùng hàng nghìn nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) đang công tác tại các bệnh viện thành phố, bệnh viện quận, huyện và các bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành được điều động luân phiên đến công tác tại 4 bệnh viện dã chiến này, thời gian mỗi đợt luân phiên là 4 tuần, trong thời gian luân phiên các y, bác sĩ sẽ lưu trú hẳn tại các bệnh viện dã chiến, không trở về nhà.

Trung tâm Cấp cứu 115 cũng được huy động và chịu trách nhiệm bố trí các kíp cấp cứu và xe cấp cứu thường trực 24/7 tại các bệnh viện dã chiến để kịp thời vận chuyển người bệnh chuyển nặng đến các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 ở tầng 2 hoặc tầng 3. Ngoài ra, Trung tâm Cấp cứu 115 còn được giao nhiệm vụ liên hệ và điều phối xe vận chuyển chuyên dùng phục vụ chống dịch COVID-19 đến các điểm cách ly tạm để vận chuyển người bệnh F0 đến các bệnh viện dã chiến để thu dung điều trị.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các Trung tâm Y tế quận, huyện dễ dàng và nhanh chóng chọn bệnh viện dã chiến nào phù hợp (còn sẵn giường trống) để chuyển ngay các trường hợp F0 vừa mới phát hiện, Sở Y tế sẽ tạo dựng công cụ dashboard về tình hình sử dụng giường tại các bệnh viện dã chiến và các bệnh viện được phân công điều trị COVID-19. Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện dã chiến và các bệnh viện điều trị COVID-19 thường xuyên cập nhật tình hình sử dụng giường lên dashboard, các trung tâm y tế chịu trách nhiệm theo dõi dashboard để chọn bệnh viện phù hợp và nhanh chóng liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 để chuyển người bệnh F0 đến các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh