Từ ngày 23/8, Long An không để người dân rời khỏi nơi cư trú
- Tây Y
- 13:44 - 23/08/2021
Ngày 22/8, UBND tỉnh Long An có Công văn số 8394/UBND-VHXH về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, kiên quyết không để người dân rời khỏi nơi cư trú theo đúng phương châm "ai ở đâu ở đó", thời gian áp dụng từ 0 giờ ngày 23/8 đến hết ngày 30/8.
Long An là địa phương đứng thứ ba trong khu vực phía Nam với số ca mắc Covid-19 ghi nhận trong cộng đồng hơn 18.100 người.
Để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Long An yêu cầu các địa phương thực hiện thêm một số biện pháp phòng, chống dịch đó là: Thiết lập các trạm, chốt kiểm soát trên địa bàn để thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc "người cách ly với người"; "gia đình cách ly với gia đình"; "xóm, ấp, khu phố cách ly với xóm, ấp, khu phố"; "xã, phường, thị trấn cách ly với xã, phường, thị trấn"; "huyện, thị xã, thành phố cách ly với huyện, thị xã, thành phố".
Kiên quyết không để người dân rời khỏi nơi cư trú theo đúng phương châm "ai ở đâu ở đó". Các trạm, chốt kiểm soát chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông trên đường. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận cho nhân viên đi giao hàng, cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu; nông dân thu hoạch nông sản …
Tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Long An triển khai phương thức làm việc tại nhà; lực lượng tham gia phòng, chống dịch và lực lượng giải quyết các công việc khẩn cấp thì bố trí làm việc trực tiếp tại cơ quan theo phương châm "3 tại chỗ", tối đa không quá 1/3 trên tổng số lượng người.
Các địa phương thuộc vùng đỏ (Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và thành phố Tân An) xác định chính xác xã thuộc vùng đỏ để triển khai thiết lập phong tỏa triệt để. Nắm chắc số lượng người dân trong vùng đỏ để hỗ trợ. Huy động cả hệ thống chính trị trên địa bàn (kể cả MTTQ và các đoàn thể) để hỗ trợ người dân trong khu vực phong tỏa theo phương án, kế hoạch đề ra, bảo đảm không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, không được chăm sóc y tế khi cần thiết, không được hỗ trợ kịp thời khi có nhu cầu.
Các địa phương phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong khu vực phong tỏa thông qua hình thức phát túi an sinh hoặc các hình thức phù hợp khác.
Sở Y tế bảo đảm nhu cầu chăm sóc y tế tại chỗ cho người dân theo mô hình Trạm y tế lưu động. Các địa phương cung cấp số điện thoại đường dây nóng cho tất cả các hộ dân biết để liên hệ hỗ trợ khi cần thiết. Tổ chức lực lượng trực 24/24 để kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin, đề nghị hỗ trợ của người dân trên địa bàn tỉnh.