Từ năm 2018, đóng BHXH theo tổng thu nhập
- Tra cứu phẫu thuật
- 23:01 - 24/07/2015
Bà Ngô Hồng Nhung (TP. Hà Nội) làm việc tại Công ty TNHH 100% vốn nước ngoài. Hiện nay, công ty của bà Nhung chi trả tiền lương cho người lao động dựa trên mức lương được ghi trong hợp đồng lao động (mức lương cơ bản).
Ngày nghỉ phép, nghỉ cưới, nghỉ lễ tết được tính bằng lương cơ bản/26 ngày x số ngày nghỉ; Tiền lương làm thêm giờ bằng lương cơ bản /(26x8 x số giờ làm thêm x tỷ lệ làm thêm giờ tương ứng; Tinh trừ lương ngày nghỉ ốm, nghỉ không hưởng lương bằng lương cơ bản/26 x số ngày nghỉ.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên bà Nhung có tìm hiểu Điều 90 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 lại thấy có ghi: "Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác". Trong hợp đồng lao động của bà ký với công ty cũng ghi là "Mức lương theo công việc hoặc chức danh: 5.000.000 đồng/tháng. Phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác: Theo Quy chế trả lương trong doanh nghiệp, Thang bảng lương và Thỏa ước lao động tập thể".
Các khoản phụ cấp lương công ty của bà Nhung gồm: Trợ cấp nhà ở, trợ cấp đi lại, trợ cấp chức vụ, trợ cấp làm ca (có ghi trong quy chế trả lương). Tuy nhiên các khoản phụ cấp lương này không được tính vào để đóng BHXH, để tính lương cho các ngày nghỉ có hưởng lương như trên mà chỉ tính trên mức lương cơ bản là 5.000.000đ. Bà Nhung hỏi, công ty của bà thực hiện như vậy có đúng quy định không?
Ngày 1/4/2015, Công ty ký Quyết định bổ nhiệm bà vào vị trí Phó trưởng dây chuyền, mức trợ cấp chức vụ là 150.000 đồng/tháng. Tuy nhiên trên quyết định lại ghi là: "Mức trợ cấp này không tính vào mức lương chính để đóng BHXH, BHYT, BHTN và tính lương ngoài giờ". Bà Nhung hỏi, Công ty của bà ban hành quyết định như vậy có đúng không?
Bộ Lao động – thương binh và Xã hội trả lời bà Nhung như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Luật BHXH (đang có hiệu lực thi hành), đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động, không bao gồm các khoản phụ cấp.
Như vậy, hợp đồng lao động ký giữa bà Nhung và công ty theo mức lương 5.000.000 đồng nên đây là mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với bà.
Tuy nhiên, theo Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 thì đối với người lao động đóngBHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017 tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.