CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:08

Từ giang hồ khét tiếng thành Bí thư xã

Bốn lần nhập khám

Vượt qua dốc Chuối khúc khuỷu, mảnh đất đón đầu gió Lào khắc nghiệt miền biên viễn Quế Phong, thêm vài chục phút đèo dốc nữa thì đến thị tứ Châu Thôn. Rẽ trái, về Nậm Nhoóng, nhà cựu Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy Nậm Nhoóng Moong Thái Xuyên ở đấy.

Tiếng Thái, “Nậm” là dòng suối, nước, đứng sau nó là tên địa danh. Ông Xuyên không sinh ra ở Nậm Nhoóng, mà đến từ đất Tiền Phong năm 1976 khi Moong Thái Xuyên mới 17 tuổi. “Tôi may mắn được học hết cấp 3.  Nậm Nhoóng hồi đó không mấy người được đi học trường huyện, tôi là người duy nhất trong xã tốt nghiệp PTTH, nhiều chữ nhất bản”, ông Xuyên kể. Người “có một bụng chữ” Moong Thái Xuyên sau khi học xong cấp 3 xung phong đi bộ đội, sau vài năm xuất ngũ trở về địa phương. Không dấn thân theo đường cử nghiệp, Moong Thái Xuyên bỏ ngang đường chữ, ngoặt sang một hướng khác ít ai ngờ khi vừa rời ghế nhà trường là làm lục lâm thảo khấu!

Ông Moong Thái Xuyên khi còn đương chức. Ảnh: Quang Long.

Bản tính gan góc, đậm chất giang hồ và sẵn sàng “tới bến” trong các cuộc chơi, gã trai sơn cước năm 20 tuổi vừa rời nhà ra ngõ đã được đám lâu la phố núi tôn lên làm “đại ca”, thống soái băng đảng giang hồ ở đất Quế Phong. “Quy tụ quanh tôi có Phương Quỳ Hợp, Đằng Thanh Hóa. Trộm cướp, đánh nhau, xưng hùng xưng bá gây náo loạn một cõi biên thùy. Trong người tôi thời đó lúc nào cũng giắt sẵn 2 khẩu K54, K59 và sẵn sàng... nhả đạn”, ông Moong Thái Xuyên nhớ lại. Hồi đó không tậu được xe máy, nhóm giang hồ thường di chuyển trên lưng ngựa. Băng đảng do Moong Thái Xuyên cầm đầu làm mưa làm gió miền tây bắc Nghệ An, từng là nỗi kinh hoàng của nhiều người dân huyện Quế Phong.

Năm 1979, thủ lĩnh rừng xanh Moong Thái Xuyên sa lưới pháp luật, bị Công an huyện Quỳ Hợp bắt giữ. Sau 6 tháng thụ án tại Trại giam số 3 (xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ), gã trai giang hồ Moong Thái Xuyên ra trại. Nhưng chưa đầy ba tháng sau Xuyên lại bị còng tay vì tội buôn bán, vận chuyển thuốc phiện. “Lúc bị Công an Quế Phong bắt giữ với tang vật 13 kg thuốc phiện, trên đường đi tiêu thụ tôi tiếp tục bóc lịch hơn nửa năm”, ông Moong Thái Xuyên kể. Mãn hạn tù, ngựa quen đường cũ, Xuyên lần đường vượt biên xuyên Lào, sang Thái Lan,  tính chuyện “làm ăn” nơi đất khách theo chỉ dẫn của một người quen. “Đứa cháu ở Thái Lan viết thư về, rủ tôi sang bên đó. Lang thang đất Quế Phong chẳng nghề ngỗng gì, buồn chán lại sinh sự, tôi xách túi luồn rừng vượt biên”, ông Xuyên kể. Bị đồn Biên phòng Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) tóm, Moong Thái Xuyên lại thụ án 3 tháng can tội vượt biên trái phép. Ra tù chứng nào tật nấy, lại vượt biên, lại bị bắt, bị tống giam.

“Tổng cộng, tôi bốn lần vô trại vì tội trộm cướp, buôn bán ma túy, vượt biên trái phép. Những năm đầu thập niên 1980, nhờ được mấy anh em ở huyện Quế Phong thuyết phục, giúp đỡ, tôi quyết tâm thay đổi, không giang hồ nữa mà về quê làm ăn”, ông Xuyên nói.

Ông Xuyên và con trai.

Quay về nẻo thiện

“Mấy hôm mới trở về nhà, cái máu giang hồ nhiều khi trỗi dậy, nhất là khi rượu vào, làm tôi ngứa ngáy chân tay không chịu nổi, lại muốn bỏ nhà đi lang thang”, ông Moong Thái Xuyên nhớ lại. Nậm Nhoóng quê ông là xã khó khăn nhất huyện Quế Phong. Bản Huồi Cam nơi gia đình ông Xuyên tá túc lại là nơi nghèo nhất xã. “Những năm đó dân cư thưa thớt, nghèo đói. Ruộng ít ỏi, chỉ có mấy vạt đất bám theo khe suối, làm không đủ ăn nên nhiều hộ quen sống du canh du cư, phá rừng”, ông kể.

Ngày lấy vợ, ra riêng, ngoài mảnh đất cắm dùi ven đồi, vạt ruộng ven suối, vợ chồng ông chẳng có vốn liếng gì. “Vợ sinh con trai đầu lòng, thiếu ăn nên đứa bé ốm dặt dẹo. Tôi thì cả ngày quần quật dưới ruộng, trên nương, bụng nghĩ nếu cứ thế này mãi chắc còn đói lâu dài, bèn đổi kế làm ăn, vay vốn chăn nuôi, trồng rừng”, ông Xuyên kể. Khu rừng của gia đình ông xanh tốt, gà lợn đầy chuồng, cuộc sống của một người từng lang bạt kỳ hồ vừa yên ấm thì bất hạnh ập đến: vợ ông bị ung thư gan. Bà Cụt Thị Nguyên mất đi, để lại đàn con nheo nhóc.

“Cảnh gà trống nuôi con, vô cùng cơ cực!”, Moong Thái Xuyên nhìn ra vạt rừng heo hút đón nắng chiều vàng vọt gió Lào, thở một cái rõ dài. Cặm cụi thay vợ nuôi con, đổ mồ hôi trên nương, trên rẫy, không ai tin kẻ giang hồ từng một thời ngang dọc lại mau chóng quay về nẻo thiện đến vậy. Moong Thái Xuyên bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại, trở thành điểm sáng của thanh niên bản Huồi Cam, xã Nậm Nhoóng. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho bà con, ông còn luôn đi đầu trong việc cảm hóa người lầm lỗi. Bản nào có người nghiện ma túy, Moong Thái Xuyên đến tận nhà “nói chuyện”. Cái “vía” của “thủ lĩnh rừng xanh” ngày ấy cộng với tài ăn nói có duyên, Moong Thái Xuyên đã thuyết phục được nhiều người nghiện từ bỏ ma túy, giúp nhiều người lầm lỗi phục thiện.

Thấy “người nhiều chữ nhất bản” nói được, làm được, người dân Huồi Cam không còn nhắc đến quá khứ “lẫy lừng” và dần dần tin ông. Năm 1988, Moong Thái Xuyên được bầu làm Bí thư Đoàn xã; năm 1994 BCH Đảng bộ Nậm Nhoóng cất nhắc ông lên làm Phó Bí thư Đảng ủy; năm 1999 ông Moong Thái Xuyên được bầu làm Chủ tịch UBND xã Nậm Nhoóng. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, từng chịu cảnh đói ăn thiếu mặc, người đứng đầu xã Nậm Nhoóng là một người gần dân, thương bà con dân bản. Xuống bản, lên huyện, ông Moong Thái Xuyên đi lại như con thoi, lặn lội đường xa đưa dự án về cho đồng bào giúp nhiều hộ thoát nghèo. Nạn du canh du cư ở Nậm Nhoóng dần dần “hạ nhiệt”, rừng được bảo vệ, một diện tích ruộng nước được khai hoang, người dân Nậm Nhoóng hết cảnh “đứt bữa”. Nhiều hộ gia đình vay được vốn sản xuất, chăn nuôi, đời sống khá lên.

Năm 2001, ông Xuyên được bố trí làm Bí thư Đảng ủy Nậm Nhoóng và đảm nhiệm xuất sắc chức vụ này suốt hai nhiệm kỳ liên tục. Tháng 5/2015, sau đại hội Đảng bộ xã, ông Moong Thái Xuyên nghỉ hưu.

Bản làng Quế Phong, nơi thủ lĩnh Moong Thái Xuyên một thời làm mưa làm gió.

Vĩ thanh

Trở lại làm dân, cựu chủ tịch, bí thư xã vẫn “không để cái tay, đôi chân ngơi nghỉ”. Ngày ngày, ông trèo đèo lội suối lên núi làm nương rẫy, trồng rừng và dựng lều chăn nuôi. “Năm rồi, rừng keo lá tràm cho thu hoạch lứa đầu tiên, bán được 120 triệu đồng. Hiện tôi đang chăn nuôi 30 con lợn, dê”, ông Moong Thái Xuyên khoe. Trong vách nhà sàn nơi ông ở treo kín bằng khen “Đóng góp phong trào xây dựng nông thôn mới”; “hỗ trợ giảm nghèo”, “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Có thành tích góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng”.

Vợ mất, Moong Thái Xuyên vừa cặm cụi nương rẫy, vừa tham gia việc xã. “Mình cứ cày quần quật, mần gấp đôi sức mình, như để bù lại những ngày lang thang “đi bụi” nay đây mai đó. Hạnh phúc nhất là ba đứa con thi đậu đại học”, ông Xuyên bảo. Moong Văn Tình, con trai thứ hai của ông tốt nghiệp Học viện Báo chí tuyên truyền, hiện là cán bộ Huyện Đoàn Quế Phong; Moong Văn Phương đang học năm cuối ĐH Y khoa Vinh; Moong Thị Kiều Oanh đang theo học Khoa GD tiểu học, ĐH Vinh. Với ngần ấy cử nhân, gia đình ông Moong Thái Xuyên trở thành “gia đình đại học”, là tấm gương về sự hiếu học ở huyện rẻo cao Quế Phong.

“Tôi rất cảm kích, biết ơn tấm lòng vị tha, bao dung của người dân và Đảng ủy, Ủy ban Nậm Nhoóng cũng như huyện Quế Phong. Họ đã cho tôi cơ hội, vị trí để tôi cống hiến, đóng góp sức mình cho xã, cho bà con dân bản” - Cựu Bí thư xã Nậm Nhoóng Moong Thái Xuyên

Theo Quang Long/Tienphong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh