Từ 30 đến 35 tuổi, hãy cố gắng tích lũy thêm độ dày cho cuộc sống!
- Bác sĩ
- 17:11 - 18/05/2020
Tất cả những nghi ngờ mà bạn từng tự hỏi mình lúc trước, thời gian sẽ trả lời cho bạn.
Tất cả ý nghĩ an phận, thích "nằm vùng" an toàn lúc này, xã hội sẽ giải đáp thay bạn.
Trong thế giới này, ai cũng không thể ngăn cản bước đi của thời gian. Nó là một lưỡi đao sắc bén âm thầm cắt đứt những gì yếu ớt. Nếu bạn không chịu tiến về phía trước, bạn sẽ bị lưỡi đao này thay đổi hết thảy mọi thứ.
Dù ra đời sớm hay muộn, bị cuộc sống vùi dập là điều khó tránh khỏi. Mặc dù tôi và bạn đều là người bình thường, nhưng mong rằng chúng ta đừng ôm một ý chí tầm thường. Hãy sống như ánh mặt trời, không bao giờ cam chịu thỏa hiệp với bóng tối.
Trong số các khách hàng mà tôi đã gặp, có 2 loại người mà tôi thường thấy nhất:
Loại đầu tiên: Những người đã có chỗ đứng nhất định trong xã hội, ít nhất là cấp giám đốc trở lên, có địa vị, mức lương cao.
Loại thứ hai là những người làm việc lâu năm, nhưng vẫn ở vị trí tương đối thấp, chưa bao giờ được người khác công nhận về giá trị con người.
Qua so sánh, tôi nhận ra rằng những người thành đạt đều có một đặc điểm chung, đó chính là họ đã làm việc thật chăm chỉ trong ít nhất 10 năm, từ lĩnh vực mà họ quen thuộc, sở trường.
Nhóm người thứ hai lại thuộc kiểu hay thay đổi phương hướng, nhảy việc thường xuyên. Ngoài ra, cũng có một số đi theo hướng tích lũy duy nhất, nhưng sự tích lũy này mang tính lặp đi lặp lại, chứ năng lực không tăng, do đó sự nghiệp không phát triển.
Dù bạn có chịu thừa nhận hay không, cũng không thể tránh khỏi một sự thật, đó là "hiện tượng 35 tuổi". Rất nhiều công ty hiện nay ghi rõ không tuyển người dưới 35 tuổi. Thế nên, dù bạn có làm mới hồ sơ và đăng lên nhiều trang web đi nữa, cũng chỉ bỏ công vô ích.
Nếu đến 35 tuổi, năng lực không có, tiền cũng không nốt, vậy bạn nhất định sẽ hối hận vì đã lãng phí hơn 10 năm vô ích để bây giờ trở thành một người vô dụng.
Nếu bạn cho rằng tuổi trẻ là tài nguyên ông trời ban tặng, và bạn có quyền hoang phí nó, vậy bạn đã lầm.
Tự mình bỏ lỡ cơ hội, chính là tự mình đi vào ngõ cụt. Xã hội này sẽ không tha thứ cho sự bồng bột của bạn. Do đó, từ 30 đến 35 tuổi, hãy học cách tích lũy độ dày cuộc sống.
30 tuổi: Bạn nhất định phải đối mặt với 3 vấn đề lớn!
Vấn đề đầu tiên: Trách nhiệm gia đình
Có một số vấn đề, dù bạn có sẵn sàng đối mặt với nó hay chưa, theo giai đoạn tăng trưởng của tuổi tác, bạn nhất định phải chịu trách nhiệm với nó.
Nếu bạn đã lập gia đình, bạn phải tỉnh táo nhận thức được: Sự nghiệp của bạn cần phát triển thế nào, mới có thể đảm bảo được cái việc bạn có đủ sức gánh vác cả gia đình. Gia đình này không chỉ có riêng vợ con, mà còn cả cha mẹ bạn.
Lúc này, nhiều người sẽ đắn đo câu hỏi:
"Nếu tôi nhảy việc, thu nhập không cao, liệu có đủ nuôi sống cả nhà không?"
Mà càng do dự, chỉ càng đứng chai lì tại chỗ.
Thế nên thà rằng khi còn chưa có quá nhiều gánh nặng trên vai, cần nên cố gắng hết sức tiến về phía trước càng nhanh càng tốt.
Vấn đề thứ hai: Năng lực phải "xứng" với tuổi tác
Tại sao nhiều công ty hay yêu cầu kinh nghiệm 5 năm, 10 năm? Vì thời gian làm việc được người ta quy đồng với năng lực.
Cùng một công việc, năng lực tích lũy trong 5 năm dĩ nhiên sẽ khác trong 10 năm, trách nhiệm họ đảm nhận cũng khác nhau.
Thời gian làm việc càng dài, năng lực càng mạnh mẽ, nhà tuyển dụng cũng càng coi trọng. Nhưng bên cạnh đó, có nhiều người làm việc từ 3 đến 5 năm nhưng năng lực không khác gì so với người mới làm 1 năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu họ muốn đột phá trong sự nghiệp, sẽ gặp rất nhiều chướng ngại.
Thay vì chờ đến cái bước đường cùng này, trước đó bạn hãy lo tự thiết lập cảm giác "khủng hoảng sớm" cho bản thân. Để thông qua đó mà kiếm tìm động lực cần cù chạy về phía trước.
Vấn đề cuối cùng: Vận dụng kết cấu tri thức để thăng tiến
Ở nơi làm việc, những người có trình độ khác nhau sẽ đảm nhận công việc khác nhau. Như vậy, quan điểm và suy nghĩ của họ cũng phải khác nhau.
Ví dụ: Một nhân viên bán hàng, điều họ nghĩ thường là cách bán được nhiều hàng. Nhưng đối với một giám đốc tiếp thị, anh ta cần phải nghĩ xa hơn cả về chiến lược thu hút, cách thay đổi sản phẩm sao cho nhanh chóng tiếp cận khách hàng...
Người ở cấp độ càng cao, kiến thức càng phải rộng, kinh nghiệm càng phải dày, ý tưởng và tầm nhìn càng phải xa, có như thế mới đảm bảo được vị trí của mình.
Trước 30 tuổi: Làm sao để có nền tảng tốt?
Nếu đến 30 tuổi mà bạn vẫn chưa có được sự tích lũy nổi bật gì, vậy rất khó để đột phá trong sự nghiệp sau 30 tuổi.
Thế nên, trong 5 năm, 10 năm trước đó, hãy đặt mục tiêu và lý tưởng lâu dài, tích lũy kinh nghiệm dần. Bạn có thể nhảy việc, nhưng đừng nhảy chệch hướng. Miễn là hướng đi càng đổi càng chính xác, càng nhanh tiếp cận thành công, vậy bạn cứ việc đổi.
Nhưng nếu chỉ vì chạy theo số đông mà thay đổi, vậy nó chỉ thể hiện sự bốc đồng không phù hợp độ tuổi.
Bạn đã từng nghe qua quy luật 10 000 giờ chưa? Bất kể bạn muốn thành công trong lĩnh vực nào đi nữa, bạn nhất định phải tôi luyện nó trong ít nhất 10 000 giờ.
Nghệ sĩ violin hàng đầu thế giới, Maxim Vengerov, 34 tuổi, được công nhận là có tài năng phi thường khi mới 4 tuổi. Nhưng tài năng và nỗ lực của ông ấy là tỉ lệ thuận với nhau. Mỗi ngày, ông đều luyện tập 7 tiếng đồng hồ.
Vengerov từng nói: "Mẹ tôi về nhà 8 giờ tối mỗi ngày, sau khi ăn cơm xong sẽ dạy tôi luyện đàn đến 4 giờ sáng." Đối với một đứa trẻ 4 tuổi mà nói, điều đó thật kinh khủng như bị tra tấn, nhưng 2 năm sau, ông ấy đã trở thành một nghệ sĩ violin đẳng cấp.
Muốn có được ánh hào quang, bạn nhất định phải trả giá bằng mồ hôi và công sức. Ở nơi làm việc, chỉ có hai việc cần phải làm: một là làm việc, hai là làm người. Làm việc phải chuyên cần, làm người cần chuyên tâm.
Đừng để thời gian chỉ tích lũy số tuổi của bạn, hãy để nó tích lũy cả năng lực và giá trị con người bạn.