Từ 2 vụ tử vong khi nâng ngực, căng da mặt: Liệu phẫu thuật thẩm mỹ có an toàn hay không, khi nào xảy ra biến chứng?
- Y học 360
- 13:22 - 23/10/2019
Những ngày qua, dư luận vô cùng xôn xao khi liên tiếp hai người phụ nữ tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ trong cùng một tuần ở TP. HCM
Mới đây nhất là ngày 17/10, một người phụ nữ khác mới 33 tuổi lại gặp biến chứng chỉ sau 5 giờ đồng hồ phẫu thuật đặt túi ngực. Bệnh nhân ngưng tuần hoàn và mất trong ngày khi mọi nỗ lực cấp cứu bất thành.
Cả hai trường hợp này đều có chung chẩn đoán ban đầu do sốc phản vệ. Khi kết quả giám định nguyên nhân tử vong chính xác từ hội đồng chuyên môn còn chưa công bố, câu hỏi được rất nhiều người đặt ra là: Liệu phẫu thuật thẩm mỹ có an toàn hay không, khi nào xảy ra biến chứng?
Trao đổi xoay quanh vấn đề này, bác sĩ Phạm Minh Trường, người có thâm niên 10 năm hoạt động trong ngành thẩm mỹ nhận định, nhu cầu được làm đẹp, dễ nhìn hơn là 1 nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên không chỉ riêng ở lĩnh vực làm đẹp, việc thực hiện bất cứ 1 cuộc phẫu thuật nào cũng sẽ có 1 tỉ lệ nhất định xảy ra biến chứng.
Những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ
Theo bác sĩ Trường, thông thường phẫu thuật thẩm mỹ sẽ trải qua quá trình gây mê, gây tê. Một số bệnh nhân có những bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp sẽ có nguy cơ biến chứng trong quá trình này nhiều hơn so với các bệnh nhân bình thường
Một biến chứng khác cũng dễ xảy đến trong phẫu thuật thẩm mỹ là tình trạng chảy máu sau phẫu thuật.
"Trong quá trình hậu phẫu trở về nhà, nếu cơ địa bệnh nhân không tốt hoặc thời điểm tiến hành phẫu thuật có những trục trặc thì tình trạng chảy máu có thể tiếp tục diễn ra mà phẫu thuật viên không biết.
Lời khuyên cho bệnh nhân là nếu thấy có gì đó bất thường trong cơ thể nên quay trở lại ngay cơ sở phẫu thuật để được kiểm tra và xử lý kịp thời" - bác sĩ phân tích.
Đặc biệt, biến chứng rất thường gặp là việc không có được hình hài sản phẩm sau thẩm mỹ như mong muốn. Đó là chưa kể còn có tình trạng sản phẩm lỗi, để lại sẹo do sai lầm từ phẫu thuật viên.
"Để không gặp vấn đề trên, khách hàng hãy trao đổi thật kỹ về mong muốn với bác sĩ của mình.
Kinh nghiệm của tôi là trước khi tiến hành một thủ thuật can thiệp làm đẹp luôn tư vấn thật kỹ cho khách hàng về diễn tiến xảy ra sau đó ở vị trí thực hiện, để hai bên có tiếng nói chung với nhau. Sự chấp nhận là điều cực kỳ quan trọng" - bác sĩ Trường chia sẻ.
Nói về tình trạng sốc phản vệ, bác sĩ cho biết đây là một biến chứng không thường gặp nhưng rất nặng nề, tỉ lệ tử vong rất cao. Thông thường do cơ địa của bệnh nhân, rất khó để nhận biết ngay từ đầu.
Quy trình xử lý biến chứng sốc phản vệ luôn luôn có ở những phòng khám, cơ sở y tế được cấp phép hoạt động. Khi có sự cố, phải có 1 hội đồng chuyên môn để hội chẩn, xác định nguyên nhân và đề ra phương pháp, phác đồ xử trí tối ưu.
BS Phạm Minh Trường
Kinh nghiệm của tôi là trước khi tiến hành một thủ thuật can thiệp làm đẹp luôn tư vấn thật kỹ cho khách hàng về diễn tiến xảy ra sau đó ở vị trí thực hiện, để hai bên có tiếng nói chung với nhau. Sự chấp nhận là điều cực kỳ quan trọng
Có thể căng da mặt không cần phẫu thuật
Với riêng thủ thuật liên quan đến mặt (cụ thể là căng da mặt), tai nạn khác có thể xảy ra là tình trạng liệt mặt 1 bên, liệt dây thần kinh số 7.
Căng da mặt khoảng 10 năm trở lại đây rất được ưa chuộng. Nhưng những trường hợp gặp biến chứng gần đây cũng khiến mọi người đắn đo.
Có nhiều phương pháp căng da mặt như căng da mặt bán phần, căng da mặt bằng chỉ.
Gần đây còn có xách căng da mặt bằng công nghệ không cần phẫu thuật, không cần gây tê, gây mê và không xâm lấn.
Tuy nhiên theo bác sĩ Trường, cách này chỉ áp dụng hiệu quả với gương mặt chưa chảy xệ, chùn nhão quá nhiều.
Với các khách hàng lớn tuổi, da lão hóa quá cao thì phải can thiệp phẫu thuật hoặc kết hợp cả 2 cách tùy theo tình trạng cụ thể mà bác sĩ kiểm tra được ở bệnh nhân.
Nói về tình trạng sốc phản vệ, bác sĩ cho biết đây là một biến chứng không thường gặp nhưng rất nặng nề, tỉ lệ tử vong rất cao. Thông thường do cơ địa của bệnh nhân, rất khó để nhận biết ngay từ đầu.
Nâng ngực có thể xảy ra biến chứng gì?
Đặt túi ngực có thể xảy ra biến chứng gần và biến chứng xa.
Biến chứng gần là việc bệnh nhân có thể đau vết mổ nhiều.
Bệnh nhân có thể xảy ra biến chứng chảy máu, với triệu chứng ngực đột ngột to lên bất thường. Trường hợp này bác sĩ sẽ phải mổ lại để cầm máu cho bệnh nhân.
Nhiễm trùng là biến chứng có thể gặp sau khi đặt túi ngực. Để tránh nhiễm trùng tất cả quá trình làm phải được vô trùng tuyệt đối.
Biến chứng xa thường được nhắc tới nhiều nhất là co bao xơ, sẹo vết mổ xấu, lệnh ngực và Hội chứng tiết dịch muộn.
Ngoài ra, tình trạng bơm silicon vào ngực gây biến chứng hoại tử, nhiễm trùng biến dạng ngực cũng thường xuyên được phát hiện, dù silicon là chất bị cấm thực hiện trong thẩm mỹ từ lâu.
Hãy làm một khách hàng thông minh
"Không một phẫu thuật viên, nhân viên y tế nào mong muốn bệnh nhân, khách hàng của mình gặp hậu quả xấu về sức khỏe.
Điều cơ bản nhất là mỗi người dân phải là một khách hàng thông minh. Trước khi thực hiện một phương pháp làm đẹp nào cần phải được bác sĩ tư vấn kỹ về những tỉ lệ biến chứng có thể xảy ra.
Nơi được chọn lựa thực hiện phải là cơ sở y tế có uy tín, đáng tin cậy và được cấp phép đầy đủ" - bác sĩ đưa ra lời khuyên.