Truyền thông về người khuyết tật cần phản ánh đúng sự thật và tôn trọng quyền con người
- Y học 360
- 07:09 - 28/10/2023
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết, công tác NKT luôn nhận được sự quan tâm của cả xã hội. Trong những năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ ban ngành đã ban hành rất nhiều Luật, Nghị định, Quyết định, Kế hoạch, Thông tư… về NKT nhằm tạo điều kiện thuận lợi để NKT tiếp cận các chính sách về giáo dục, văn hóa, việc làm, du lịch… tạo cơ hội bình đẳng, giúp NKT khắc phục khó khăn, vươn lên sống độc lập và góp phần chung vào phát triển kinh tế xã hội. NKT cũng ngày càng tự tin và thuận lợi hơn trong hòa nhập đời sống xã hội và giúp đỡ NKT khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với NKT. Đời sống một bộ phận không nhỏ NKT còn khó khăn, nhất là NKT nặng. Nhiều hạn chế đối với NKT vẫn còn tồn tại như: Tiếp cận chính sách của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, giao thông, tín dụng, điều chỉnh trợ cấp xã hội còn chậm. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi…
Trên cơ sở đó, buổi tập huấn nhằm định hướng truyền thông, báo chí về NKT, giúp xã hội thay đổi hành vi, nhận thức đúng đắn về NKT. Nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo, giúp đỡ NKT và các tổ chức của NKT, vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ, có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của tổ chức ngoài nước đầu tư cho các mô hình chăm sóc NKT.
“Báo chí, truyền thông cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho NKT bằng hình thức phù hợp”, bà Đinh Thị Thụy nhấn mạnh.
Liên quan đến công tác truyền thông trong lĩnh vực NKT trên báo chí thời gian qua, bà Nguyễn Vĩnh Quyên khẳng định, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về NKT. Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của xã hội đối với vấn đề NKT, Góp phần tích cực đến quá trình hòa nhập cũng như làm cho xã hội hiểu rõ hơn những khó khăn mà NKT phải đối mặt trong cuộc sống. Biểu dương những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, gương điển hình của NKT. Phê phán những yếu kém, bất cập trong quá trình hòa nhập của NKT…
Cũng theo bà Quyên, mặc dù có nhiều kết quả tích cực, truyền thông về NKT vẫn còn nhiều hạn chế nhất định như xu hướng tô đậm thêm hoàn cảnh hoặc đề cao NKT quá mức. Điều này có thể sẽ củng cố thêm những định kiến vốn đã ăn sâu vào một bộ phận người dân rằng NKT là vô dụng và không có năng lực. Do đó, khi tuyên truyền về NKT, cần phản ánh đúng sự thật, không quá bi kịch, không quá đề cao hoặc hạ thấp NKT. Việc tiếp cận thông tin cần theo hướng đa chiều, dựa trên quyền con người và nguyên tắc đạo đức. Tôn trọng sự đa dạng, loại trừ định kiến, kỳ thị, kết hợp việc sử dụng ngôn ngữ chọn lọc, chuẩn xác theo quy định của pháp luật và mang tính phổ thông nhất.