CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 08:56

Truyền thông cần tuân thủ nguyên tắc: Đặt lợi ích của trẻ lên trên

 

Không ít sản phẩm truyền thông đã vô tình hay cố ý vi bí mật riêng tư của trẻ

Truyền thông, báo chí có vai trò quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em. Tuy nhiên, đưa tin về trẻ em là một trong những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan báo chí và truyền thông. Thực tế, không ít những bài báo, sản phẩm truyền thông đã vô tình hay cố ý vi phạm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ khi đưa tin bằng việc sử dụng ngôn ngữ thiếu tính nhạy cảm hay hình ảnh thiếu tính chọn lọc. Điều này đã gây tác động rất lớn đến tâm lý và quá trình phát triển của trẻ.

Ảnh minh họa.

 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: Luật trẻ em 2016 quy định bốn “sứ mệnh” chính của truyền thông liên quan đến quyền trẻ em là: Truyền thông cung cấp thông tin cho trẻ em; cung cấp thông tin về trẻ em; để trẻ em bày tỏ ý kiến và tham gia bảo vệ trẻ em.

Theo các chuyên gia, các nhà báo khi viết về các lĩnh vực liên quan đến trẻ em cần tuân thủ các nguyên tắc ứng xử bảo vệ quyền riêng tư của trẻ. Đồng thời, báo chí cần thể hiện được vai trò điều hướng trong việc xử lý trường hợp các vụ việc được dư luận xã hội quan tâm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội liên quan đến trẻ em; xác định những hạn chế và rủi ro trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ của các chuyên gia về trẻ em và trong lĩnh vực liên quan.

Lấy ví dụ về vụ nghệ sĩ Minh béo bị bắt vì tội dâm ô trẻ em, báo chí Mỹ chỉ đưa thông tin và hình ảnh của kẻ phạm tội mà không hề có bất kỳ thông tin và hình ảnh nào của nạn nhân. Trong khi, tại Việt Nam khi xảy ra các vụ xâm hại trẻ em trên mạng xã hội cũng như một số trang báo đăng rất nhiều thông tin về hoàn cảnh, gia đình của nạn nhân. Điều này, vô hình trung đã đẩy nạn nhân vào “đường cùng” vì chịu áp lực của dư luận. Hay phụ huynh và một số trường học vẫn vô tư đăng bảng điểm kết quả học tập của các em lên mạng mà không hay biết, đây là những thông tin thuộc bí mật đời tư của các em.

Trong thực tế, một số cơ quan báo chí hiện nay thiếu định hướng rõ ràng về công tác bảo vệ trẻ em, chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong hoạt động chuyên môn. Ngoài ra, thông tin báo chí tiết lộ quá chi tiết dẫn đến nguy cơ xâm hại trẻ em lần 2. Vẫn còn có hiện tượng lợi dụng các thông tin về trẻ em để câu view, câu like… Theo khảo sát của Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội trên 5 tờ báo điện tử lớn nằm trong Top 50 trang web được truy cập hàng đầu Việt Nam, chỉ trong một năm (2016), đã có đến 548 bài báo có nội dung không bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em, trong đó xâm hại tình dục có tỷ lệ bài viết cao nhất (47%).

Các nhà báo viết về trẻ em và viết cho trẻ em cần hiểu quyền trẻ em

Để chức năng bảo vệ trẻ em được thực hiện một cách có hiệu quả, lại không vi phạm các quyền riêng tư của trẻ em, các nhà báo cần được trang bị thêm các kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức cụ thể trong truyền thông bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Các nhà báo viết về trẻ em và viết cho trẻ em cần phải đứng trên cơ sở tiếp cận dựa trên quyền trẻ em, luôn vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Các nhà báo cần phải hiểu các đặc điểm phát triển về tâm lý của trẻ, cách suy nghĩ của trẻ, biết cách lắng nghe, tôn trọng quyền được lắng nghe và quyền tham gia của trẻ và khuyến khích trẻ tham gia vào những vấn đề liên quan đến trẻ em.

Ông Lê Quốc Vinh, Giám đốc tập đoàn truyền thông Lê cho rằng, nghiệp vụ nhà báo trong thời đại ngày nay gặp rất nhiều thách thức, bị cạnh tranh với mạng xã hội. Thay vì báo chí đặt người đọc ở vai trò thụ động, mạng xã hội đưa tin rất nhanh, tin tức đến từ cuộc sống, do người dùng tạo ra và mỗi tài khoản đều có thể thực hành đưa tin, trở thành những nhà báo công dân. Tin trên mạng xã hội đặt người đọc ở vị trí trung tâm. “Chính vì thế, khi cạnh tranh với mạng xã hội, báo chí có thể đánh mất đi vai trò của mình mà chạy theo những tin giật gân, thậm chí lấy nguồn từ mạng xã hội. Chúng ta phải nhớ rằng, mạng xã hội chỉ là các mảnh ghép, báo chí có trách nhiệm cần cung cấp bức tranh đầy đủ, không nên đánh mất vị trí của mình, mà đảm bảo truyền thông chậm (slow media) với những bài báo có chất lượng, có chuyên môn nghiên cứu sâu, đa chiều, toàn vẹn, chính xác đảm bảo việc bảo vệ sự thật, vừa bảo vệ trẻ em”, ông Vinh nhấn mạnh.

 Nhà báo Nguyễn Ngân (Đài truyền hình Việt Nam) chia sẻ, phụ nữ, trẻ em, người già là các đề tài được xã hội rất quan tâm, nhưng nhà báo có tâm cần phải đặt lên trên hết lợi ích của trẻ để viết bài có trách nhiệm, tránh tình trạng trẻ em vô tình bị "xâm hại" một lần nữa bởi nhà báo.  Bà Ngân cũng nhấn mạnh có các “ranh giới” rất mong manh và các tranh luận trong nghiệp vụ báo chí và nguyên tắc bảo vệ trẻ em, không có gì hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, nhưng nhà báo có tâm cần phải đặt lên trên hết lợi ích của trẻ để có thể viết bài có trách nhiệm, để tránh tình trạng “trẻ em “vô tình” bị xâm hại một lần nữa bởi nhà báo”.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh