Truy tố nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình liên quan đến 'đại án kinh tế'
- Tây Y
- 03:13 - 23/03/2018
Nguyên Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình vừa bị vừa bị VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố
Tối ngày 22/3, Báo Pháp luật TP HCM dẫn nguồn tin từ VKSND Tối cao cho biết, cơ quan này đã ra cáo trạng truy tố ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi), nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, gây thiệt hại hơn 9000 tỉ đồng.
Trước đó, hồi tháng 9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Bình bị khởi tố vì liên quan đến "đại án" kinh tế Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỉ đồng. Cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Đặng Thanh Bình.
Ông Đặng Thanh Bình từng 25 năm công tác trong ngành ngân hàng. Năm 1994, ông bắt đầu giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính, ba năm sau chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước. Đến 2002, ông Bình giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Năm 2005, cùng với ông Nguyễn Đồng Tiến được bổ nhiệm làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Theo quyết định phân công công tác của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Đặng Thanh Bình giúp Thống đốc giải quyết các công việc được ủy nhiệm. Phụ trách công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; phòng chống rửa tiền; thông tin tín dụng; công tác pháp chế; hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động bảo hiểm tiền gửi, hoạt động của các hiệp hội trong ngành ngân hàng. Trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các đơn vị: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Pháp chế, Trung tâm Thông tin tín dụng.
Theo thông tin trên Báo Pháp luật TP.HCM, tháng 3-2012, sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”, NHNN thành lập tổ giám sát đặt tại NH TMCP Đại Tín (Trust Bank, đến tháng 5-2013 đổi tên thành VNCB). Theo đó, tổ sẽ giám sát, có ý kiến trong mọi giao dịch từ 5 tỉ đồng trở lên. Tuy nhiên, các thành viên trong tổ đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh rút từ VNCB hơn 18.000 tỉ đồng (trong đó có hơn 9.000 tỉ đồng có xin ý kiến tổ giám sát).