THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:31

Truy tố 2 bị can vụ tai nạn lật tàu thủy làm 9 người chết xảy ra 5 năm trước

Vụ tai nạn lật tàu loại ca nô cao tốc BP 12-04-02 (do Đảo bán cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xảy ra từ ngày 2/8/2013 khiến 9 người chết trên vùng biển huyện Cần Giờ, TP.HCM, đã từng phải tạm đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, vào tháng 6/2018, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, đồng thời, cơ quan trên ra quyết định phục hồi điều tra đối với bị can Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết.

Chiếc tàu gây tai nạn khiến 9 người thiệt mạng được trục vớt

Hồ sơ vụ án thể hiện: Ngày 29/3/2013, Công ty Việt Séc ký hợp đồng bán cho Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2 tàu loại ca nô cao tốc ký hiệu H29 và H790. Đến ngày 10/6/2013, công ty bàn giao 2 tàu để đưa vào sử dụng. Hồ sơ kỹ thuật cho thấy, tàu có khả năng chở 12 người, công năng là tuần tra, hoạt động trong vùng sông- vịnh, không có khả năng đi biển, vật liệu thân tàu là composite.

Tháng 7/2013, Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa- Vũng Tàu giao 2 tàu này cho Công ty Việt Séc bảo dưỡng, lắp đặt thêm thiết bị theo như hợp đồng đã ký kết nên 2 tàu này đang neo đậu tại cầu tàu của Công ty Việt Séc.

Cuối tháng 7/2013, Công ty CP Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (PV PIPE, trụ sở Tiền Giang) có chủ trương đưa cán bộ, nhân viên đi liên hoan vui chơi vào đêm 2/8/2013 tại Khu du lịch Đảo Xanh- Vũng Tàu (trực thuộc Công ty Vũng Tàu Marina), nên đã liên hệ với Đinh Văn Quyết để Quyết chuẩn bị phương tiện đưa đón, ăn ở.

Theo đó, số lượng người của Công ty PV PIPE sẽ tham gia là 71 người.  Quyết đã báo cáo cho Đảo. Vũ Văn Đảo chỉ đạo sử dụng 2 tàu và hỏi mượn tàu của Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa- Vũng Tàu để đưa đón người, đồng thời bổ nhiệm ông Phạm Duy Phúc làm đội trưởng đội tàu có nhiệm vụ đưa đón khách của Công ty PV PIPE.

Chiều 2/8/2013, Đảo, Quyết cùng một số người khác trực tiếp chứng kiến 3 tàu xuất phát từ Vũng Tàu đi Tiền Giang đón người. Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau thì cả 3 tàu quay lại vì sóng biển lớn không dám đi tiếp. Lúc này, Vũ Văn Đảo trực tiếp lái 1 tàu cùng 2 tàu khác sang Tiền Giang đón khách và ngay sau đó quay trở lại Vũng Tàu.

Vụ tai nạn đường thủy này từng gây rúng động dư luận do để lại hậu quả quá nghiêm trọng

Vào lúc 19 giờ, tàu BP 12-04-02 khi đi ngang vùng biển thuộc địa phận xã Long Hòa, huyện Cần Giờ (TP/HCM) đã bị lật khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có tài công Phạm Duy Phúc.

Công văn của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải xác định: "Việc chở quá số lượng người cho phép là một trong các nguyên nhân làm chìm tàu BP 12-04-02; ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như phương tiện hành trình ra vùng không được phép hoạt động, việc điều khiển phương tiện không phù hợp".

Báo cáo điều tra của Cục Hàng hải Việt Nam kết luận: "Sử dụng ca nô sai mục đích; chở số người gấp 2,5 lần cho phép; ca nô hành trình trong vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn cho phép; người điều khiển ca nô đã điều động ca nô chưa phù hợp với tình huống thực tế; người điều khiển ca nô không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy loại II tốc độ cao; ca nô rời nơi không được cho tàu neo đậu và vào, rời cầu bến không được công bố cho việc đón, trả khách".

Được biết, tuy chưa được phép sản xuất tàu thuyền bằng công nghệ và vật liệu mới Polypropylen Copolymer (PPC) nhưng ông Đảo vẫn sản xuất và bán cho lực lượng Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau đó, ông Đảo lập hồ sơ thiết kế 2 tàu này nhưng lại cố tình ghi sai vật liệu thân tàu là Fibreglas Reinforced Plastic (FRP) để đăng kiểm tại Phòng Đăng kiểm Hải quân phía Nam - Bộ Tư lệnh Hải quân.

Tháng 10/2013, Công an TP.HCM đã ra lệnh bắt hai ông Đảo và ông Quyết. Sau đó, VKSND TP.HCM đã ra cáo trạng truy tố hai người này về tội "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn". 

Ông Vũ Văn Đảo nhiều lần kêu oan, nhưng đến giờ thì đã chính thức bị truy tố

Sau khi nhận hồ sơ từ VKSND TP.HCM, TAND.TPHCM đã trả lại, yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ một số tình tiết. Tòa yêu cầu cơ quan điều tra giám định làm rõ kết luận tàu BP 12-04-02 khi gây tai nạn có hay không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng, bởi lẽ đây là một trong những căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can. Công an TP.HCM đã tạm đình chỉ điều tra để chờ kết quả giám định của cơ quan chức năng đối với chiếc tàu mang ký hiệu BP 12-04-02. Cục Hàng hải Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm giám định tàu. 

Liên quan vụ việc, đã từng nhiều cơ quan, tổ chức, các chuyên gia pháp luật đề nghị cơ quan tố tụng của TP.HCM xem xét lại vụ án để tránh oan sai; Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, việc truy tố hai ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo Điều 214 BLHS là “không có cơ sở”.

VH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh