THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:57

Trường THPT Kỳ Sơn: Cần cơ chế đặc thù cho trường ở huyện biên giới

Thầy Lê Văn Tảo (thứ 6 từ phải) tặng hoa trong Lễ tổng kết năm học 2021 - 2022.

Thầy Lê Văn Tảo (thứ 6 từ phải) tặng hoa trong Lễ tổng kết năm học 2021 - 2022.

Diện mạo đã hoàn toàn thay đổi

Đến thăm Trường THPT Kỳ Sơn cách đây 2 năm, cơ sở vật chất của trường là nhà 2 tầng cũ đã xuống cấp và 2 dãy nhà cấp 4. Nay trở lại, trước mắt chúng tôi là một ngôi trường bề thế, khang trang, sạch đẹp đến bất ngờ. Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Tảo chia sẻ: “Năm 2021, nhà trường được Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với 122 phòng ở nội trú, nhà ăn nội trú cho khoảng 1.300 học sinh và một số hạng mục khác với tổng đầu tư trên 200 tỷ đồng. Các học sinh có điều kiện tham gia nhiều hoạt động ngoài giờ đa dạng, phong phú; thời lượng luyện tập, thực hành những tri thức trong chương trình giáo dục, giảm thiểu những rủi ro về an ninh trật tự, về an toàn giao thông…”.

Trường THPT Kỳ Sơn hoàn thành đưa vào sự dụng đầu năm học 2022 - 2023. Đây là công trình thiết thực, tạo điều kiện tốt hơn trong việc học tập cho học sinh, con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học, rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa miền xuôi và miền ngược, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong xu thế hội nhập và nguồn nhân lực có trí thức cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo tốt hơn công tác an ninh, an toàn xã hội ở huyện vùng biên.

Có sở vật chất nhưng thiếu cơ chế

Thầy hiệu trưởng Lê Văn Tảo cũng rất trăn trở khi nhà trường chưa được công nhận trường THPT Dân tộc bán trú. Vì vậy, tuy đã có cơ sở vật chất khang trang nhưng việc tổ chức các lớp bán trú, quản lý, chăm sóc học sinh về học tập, ăn uống, nghỉ ngơi sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi không có nhân viên nấu ăn, ban quản sinh. Hơn nữa, không có chế độ bán trú, chỉ với chế độ tiền ăn, ở theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được 596.000 đồng thì không thể trang trải đủ chi phí ăn uống, điện nước, chi trả chế độ cho nhân viên nấu ăn, ban quản sinh. “Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt, không có người nấu ăn, không có người quản lý ngoài giờ học có thể dẫn đến mất an toàn…”, thầy hiệu trưởng nói.

Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 của Trường THPT Kỳ Sơn

Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 của Trường THPT Kỳ Sơn

Kỳ Sơn là huyện miền núi cao, có diện tích rộng thứ 2 của tỉnh Nghệ An, với 203,4 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào. Địa hình chia cắt, phức tạp, đường giao thông đi lại khó khăn với 5 dân tộc cùng sinh sống là: Thái, Mông, Khơ mú, Kinh và Hoa; đời sống kinh tế người dân còn gặp nhiều khó khăn và được xếp vào nhóm các huyện nghèo của cả nước.

Hiện huyện có 72 trường học nhưng chỉ có duy nhất 1 cơ sở giáo dục bậc THPT là Trường THPT Kỳ Sơn. Đến nay, trường có 39 lớp với 97 giáo viên và hơn 1.500 học sinh, trong đó hơn 95% là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Hầu hết học sinh đều ở xa, đường xá đi lại cực kỳ khó khăn. Nhiều học sinh phải đi học xa hơn 10km, xa nhất là ở xã Keng Đu (từ trung tâm xã Kieng Du đến trường khoảng 75km); thậm chí phải băng rừng, lội suối rất nguy hiểm, đặc biệt vào mùa mưa, bão lụt, lở đất.

“Việc cho cơ chế đặc thù để Trường THPT Kỳ Sơn thành Trường THPT Dân tộc bán trú Kỳ Sơn là cực kỳ cần thiết. Trường rất mong các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm cho cơ chế đặc thù để đảm bảo điều kiện mang tính pháp lý cũng như kinh phí để tổ chức tốt việc chăm sóc ăn, ở của các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm học tập”, thầy Hiệu trưởng Lê Văn Tảo mong mỏi kiến nghị.

Nguyễn Ngọc Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh