THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:11

Trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Đắk Lắk

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống bệnh, tư vấn cho bệnh nhân, người nhà thực hiện việc cách ly phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, truyền thông kiến thức phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cho cộng đồng xung quanh. Đồng thời lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm.

Trước việc ghi nhận một trường hợp có biểu hiện lâm sàng, các yếu tố dịch tễ phù hợp chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có công văn khẩn chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Trong đó, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức rà soát các trường hợp đến địa phương có yếu tố dịch tễ bệnh đậu mùa khỉ. Duy trì các đội phản ứng nhanh tại đơn vị và các bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố. Triển khai thực hiện phương án phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại địa phương. Chuẩn bị sẵn sàng về trang thiết bị và hậu cần để đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch.

Yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar tiếp tục giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa phương, tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và phối hợp các cơ quan đoàn thể liên quan có hướng xử lý kịp thời.

Theo lời khai của bệnh nhân nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ là ông N.V.P. (SN 1963, ngụ thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk). Ngày 19/10, ông P. đi sang Nam Phi du lịch. Trong thời gian du lịch, bệnh nhân đi nhiều nơi, tiếp xúc, nói chuyện, bắt tay với nhiều người.

Đến ngày 26/10, ông N.V.P. đi máy bay về lại Việt Nam. Từ ngày 26/10 tới ngày 1/11 ông N.V.P. có tiếp xúc với nhiều người trong gia đình và người xung quanh. Ngày 1/11, ông N.V.P. có biểu hiện đau mỏi các khớp và xuất hiện nhiều mụn đỏ ở bụng, lưng nên khai báo y tế, tự cách ly tại nhà.

Hiện bệnh nhân khỏe, không sốt, nổi nhiều mụn đỏ ở bụng, lưng. Những trường hợp tiếp xúc gần chưa có biểu hiện bất thường khác.

Biểu hiện của bênh đậu mùa khỉ: Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng ở một số người khác có các triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hay biến chứng bao gồm: phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: Sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn.

Các tổn thương ngoài da có thể dao động từ một cho đến vài nghìn. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng; sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy, hình thành một lớp da mới.

Người có các triệu chứng nghi của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

 

LN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh