THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:14

Trường hợp nào phải đăng ký lại khai sinh?

 

Ảnh minh họa.

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Ngân Văn Tươi như sau:

Cấp bản sao từ sổ gốc

Theo khoản 2 Điều 60 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, UBND cấp xã, UBND cấp huyện hoặc Sở Tư pháp, nơi lưu trữ sổ đăng ký khai sinh thực hiện cấp bản sao giấy khai sinh từ sổ gốc cho người có yêu cầu.

Trường hợp ông Ngân Văn Tươi mất bản chính giấy khai sinh, không có bản sao giấy khai sinh, mà trong sổ đăng ký khai sinh trước đây còn lưu trữ thì ông có thể đề nghị cơ quan nơi lưu trữ cấp bản sao giấy khai sinh từ sổ đăng ký khai sinh.

Đăng ký lại việc sinh

Theo Điều 46, Điều 47 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, việc sinh đã được đăng ký, nhưng sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, thì được đăng ký lại. UBND cấp xã, nơi đương sự cư trú hoặc nơi đã đăng ký việc sinh trước đây có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký lại.

Điều 48 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP đã được sửa đổi theo khoản 13 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhângia đình, chứng thực, thủ tục đăng ký lại việc sinh thực hiện như sau:

Người có yêu cầu đăng ký lại việc sinh phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình bản sao giấy khai sinh đã cấp hợp lệ trước đây (nếu có); trong trường hợp không có bản sao giấy khai sinh, thì đương sự phải tự cam đoan về việc đã đăng ký, nhưng sổ đăng ký khai sinh không còn lưu được và chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan.

Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh. Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho người đi đăng ký một bản chính giấy khai sinh. Các giấy tờ cũ liên quan đến sự kiện đăng ký lại (nếu có) được thu hồi và lưu hồ sơ.

Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài không quá 3 ngày.

Trường hợp đăng ký lại việc sinh cho người không có bản sao Giấy khai sinh đã cấp trước đây, nhưng đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, mà trong các hồ sơ giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán, thì đăng ký đúng theo nội dung đó. Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của người đó không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp địa danh đã có thay đổi, thì phần khai về quê quán được ghi theo địa danh hiện tại.

Phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo thời điểm đăng ký lại việc sinh. Riêng phần ghi về quốc tịch của cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ đã được thôi quốc tịch Việt Nam, đã nhập quốc tịch nước ngoài, thì quốc tịch của cha, mẹ vẫn phải ghi quốc tịch Việt Nam; quốc tịch hiện tại của cha, mẹ được ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Theo chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh