Trường hợp nào không nên đeo khẩu trang?
- Y học 360
- 17:29 - 22/08/2020
Mặc dù khẩu trang rất được khuyến khích để làm giảm sự lây lan của COVID-19, nhưng trong một số trường hợp cụ thể, việc đeo khẩu trang có thể không khả thi, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe thể chất hoặc tinh thần, dẫn đến tình trạng cấp cứu về y tế hoặc gây ra những lo ngại đáng kể về sự an toàn...
Trong những trường hợp này, sự thay đổi thích ứng và lựa chọn thay thế nên được xem xét bất cứ khi nào có thể, để làm giảm nguy cơ lây lan COVID-19 nếu không thể đeo khẩu trang.
Trường hợp nào không nên đeo khẩu trang?
Không nên đeo khẩu trang cho: Trẻ em dưới 2 tuổi; Bất cứ ai bị khó thở; Bất cứ người nào bất tỉnh, mất khả năng hoặc không thể tự tháo khẩu trang nếu không có sự trợ giúp.
Mọi người không nên đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động có thể khiến khẩu trang bị ướt, như khi bơi ở bãi biển hoặc bể bơi. Khẩu trang ướt gây khó thở. Đối với các hoạt động như bơi lội, điều đặc biệt quan trọng là duy trì khoảng cách với người khác khi ở dưới nước.
Những người đang tham gia hoạt động cường độ cao như chạy có thể không cần đeo khẩu trang, nếu điều đó làm họ cảm thấy khó thở. Nếu không thể đeo khẩu trang, hãy xem xét tiến hành hoạt động đó ở một địa điểm có hệ thống thông gió và trao đổi không khí tốt hơn (ví dụ, ngoài trời thay vì trong nhà) và ở những nơi có thể duy trì khoảng cách với người khác.
Đeo khẩu trang như thế nào là đúng cách?
Khẩu trang chỉ phát huy tác dụng phòng dịch bệnh nếu được sử dụng đúng cách. Đeo khẩu trang sai cách không chỉ gây lãng phí tiền bạc, mà còn làm mất đi tác dụng bảo vệ, tăng nguy cơ lây bệnh. Cách đeo khẩu trang đúng như sau:
- Đối với khẩu trang y tế, đeo mặt có màu sẫm hơn ra ngoài, mặt có màu nhạt hơn hướng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên.
- Khi đeo phải che kín cả mũi lẫn miệng. Không dùng tay sờ vào bề mặt khẩu trang khi đang đeo.
- Không bỏ khẩu trang khi giao tiếp, khi ho, hắt hơi nơi công cộng.
- Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo. Không sử dụng khẩu trang bẩn.
- Đối với khẩu trang y tế, chỉ sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Đối với khẩu trang vải, nên giặt khẩu trang hằng ngày bằng xà phòng để dùng cho lần sau.
Chỉ đeo khẩu trang đã đủ để phòng dịch chưa?
Để phòng dịch COVID-19 thì chỉ đeo khẩu trang thôi vẫn chưa đủ, cần sự kết hợp đầy đủ và đồng thời nhiều biện pháp khác như:
Thường xuyên rửa tay với xà phòng/xà bông/dung dịch rửa tay nhanh và nước sạch, đặc biệt là sau khi ho, hắt hơi; Sau khi cầm, nắm, tiếp xúc với các vật dụng có nguy cơ như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can; sau khi đi vệ sinh; Sau khi vệ sinh cho trẻ; Trước khi ăn; Khi bàn tay bẩn, trước khi vào và sau khi ra khỏi khu dịch vụ.
Sử dụng khẩu trang đúng cách khi đến nơi công cộng và bỏ ngay khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác. Tuyệt đối không được khạc nhổ bừa bãi. Vệ sinh đường hô hấp sạch sẽ, vệ sinh môi trường xung quanh các bề mặt tiếp xúc. Với trẻ em, phải đưa trẻ đi tiêm chủng các loại vắc-xin đúng lịch để tăng cường miễn dịch phòng bệnh.