THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:12

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lần thứ hai đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

 

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.


Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội được thành lập theo Nghị định số 147/NĐ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký ngày 6/3/1956 với tên ban đầu là Trường đại học chuyên nghiệp Bách Khoa Hà Nội. Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, Trường đã tổ chức khai giảng khóa đầu tiên ngày 15/10/1956 với gần 1000 sinh viên thuộc 14 chuyên ngành của bốn liên khoa: Cơ  - Điện, Mỏ - Luyện kim, Hóa – Thực phẩm và Xây dựng.

Bắt đầu từ “vạch xuất phát” nhiều khó khăn, chặng đường đầu đã ghi dấu những đóng góp quan trọng của trường đại học kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam. Chỉ 10 năm đầu tiên, trường đã đào tạo được gần 4.000 kỹ sư, thực hiện hơn 100 đề tài nghiên cứu khoa học – kỹ thuật phục vụ sản xuất và chiến đấu. Những năm cả nước lên đường (1965 - 1975), 200 cán bộ và trên 2.700 sinh viên của trường đã xếp bút nghiên, vào chiến trường. Nhiều người trong số họ đến nay vẫn được nhắc nhớ như các anh hùng liệt sĩ: Bùi Ngọc Dương, Trần Thanh Hải, Vũ Xuân Thiều, Phạm Văn Cán.

Sáu thập niên phát triển trưởng thành, Trường ĐHBK Hà Nội đã đào tạo và cung cấp một nguồn nhân lực trình độ cao và chất lượng cao, một đội ngũ trên 200 nghìn chuyên gia kỹ thuật, trong đó 190.000 kỹ sư và cán bộ kỹ thuật, 14.246 thạc sĩ và 838 tiến sĩ. Các thế hệ kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trưởng thành từ ĐHBK Hà Nội đã và đang có mặt trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng của đất nước. Nhiều người trong số họ được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, không ít người trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp.

Trường ĐHBK Hà Nội thể hiện vai trò hàng đầu trong nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào trong sản xuất, chiến đấu và đời sống, trong việc hình thành và phát triển hướng nghiên cứu mới nhằm hội nhập khu vực và thế giới, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trường đã nhận được 2 giải thưởng Hồ Chí Minh, 1 giải thưởng Nhà nước, 18 giải thưởng Sáng tạo Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), 2 giải thưởng Kovalevskaia, 6 giải thưởng Sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc, 1 giải thưởng Tạ Quang Bửu, 2 giải Nhất Nhân tài Đất Việt, 13 Huy chương Vàng tại Hội chợ Công nghệ - Techmart Việt Nam, 4 giải thưởng quốc tế của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), 5 giải thưởng Khoa học kỹ thuật Thanh niên – Quả Cầu Vàng.

 

 

ĐHBK Hà Nội còn như một “đầu tàu” với “sức kéo” mạnh mẽ góp phần hình thành nên một mạng lưới các trường đại học kỹ thuật công nghiệp trong cả nước, góp phần phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Trong những năm từ 1966 đến 1968, từ những khoa chuyên ngành của trường đã hình thành các trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Cơ – điện (nay là Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp thuộc ĐH Thái Nguyên), Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự). Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trường ĐHBK Hà Nội cũng đã cử hơn 200 cán bộ tham gia tiếp quản và trở thành lực lượng nòng cốt của các trường đại học kỹ thuật miền Trung và miền Nam, trong đó có Trường ĐHBK Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức.

Hiện nay, trường có 1.950 cán bộ viên chức, trong đó 1.200 giảng viên với 21 giáo sư, 202 phó giáo sư; số cán bộ có trình độ tiến sĩ là 722 người, chiếm 60% số giảng viên và đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm tới. Trường là mái nhà chung của trên 30.000 sinh viên đại học, 3.000 học viên cao học và 500 nghiên cứu sinh. Với 35 chương trình đào tạo kỹ sư, 45 chương trình đào tạo cử nhân đang được thực hiện cho hơn 70 chuyên ngành đào tạo đại học, 78 chương trình đào tạo thạc sĩ cho 32 ngành và 60 chương trình đào tạo tiến sĩ cho 38 ngành, ĐHBK Hà Nội đã khẳng định được vị thế của một trường đại học trọng điểm, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và là một trường đại học đậm nét định hướng nghiên cứu.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và rộng, công nghệ phát triển mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước khẳng định vai trò then chốt, quốc sách hàng đầu của giáo dục – đào tạo và khoa học - công nghệ, trong thời gian tới, Trường ĐHBK Hà Nội tập trung thực hiện đổi mới quản lý theo cơ chế tự chủ, xây dựng chiến lược phát triển, chủ động huy động các nguồn lực, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo và tiềm lực nghiên cứu, tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế.

Trong dịp 60 năm thành lập, ĐHBK Hà Nội tự hào đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh cao quý lần thứ hai. Vinh dự này càng tô thắm thêm truyền thống của trường và là nguồn lực tinh thần mạnh mẽ để tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên trường tiếp tục phát huy truyền thống của một tập thể Anh hùng. Trường ĐHBK Hà Nội sẽ tiếp tục tiên phong trong đổi mới, chủ động trong tiến trình hiện đại hóa, chuẩn hóa, hội nhập khu vực và quốc tế, thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, khẳng định và phát huy vị thế một trường đại học trọng điểm về khoa học và công nghệ của quốc gia.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
2 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh