THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:12

Trường Đại học LĐ-XH: Nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được nhu cầu xã hội

Trường Đại học Lao động - Xã hội luôn quan tâm đặc biệt đến chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, quản lý, coi đây như là nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo.  Thông qua các hoạt động như cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ hiện có; thu hút đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao đến làm việc tại Trường mà đội ngũ cán bộ,    giảng viên, của Nhà trường không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng hiện nay số lượng cán bộ, giảng viên, viên chức, lao động hợp đồng của Trường đã là 792 người. Trong đó, có 06 PGS, 73 Tiến sỹ và 406 Thạc sỹ.

Nhà trường không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học-công nghệ. Chương trình đào tạo, giáo trình, bài giảng của trường được xây dựng theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội và liên tục được cập nhật, có sự tham khảo chương trình đào tạo của các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước, có sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành. Từ năm 2013, Trường đã tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp tặng hoa nhà trường nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập.

Trong quá trình đào tạo, Nhà trường luôn quan tâm đến giáo dục, rèn luyện sinh viên toàn diện, coi học sinh sinh viên, học viên là nhân vật trung tâm của quá trình đào tạo, từng bước biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo; gắn đào tạo lý thuyết với thực hành. Kết quả khảo sát sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường tính từ khóa I đến khóa V cho thấy: Có gần 97% số sinh viên ra trường đã tìm được việc làm ngày trong năm tốt nghiệp, trong đó trên 72% tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Qua đó cho thấy chất lượng đào tạo của nhà trường đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội và yêu cầu của thị trường lao động.

Với mục tiêu Trường không chỉ là nơi giảng dạy, đào tạo mà còn là một trung tâm nghiên cứu khoa học, hoạt động NCKH của cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận với 3 đề tài cấp nhà nước, gần 50 đề tài cấp Bộ, 166 đề tài cấp Trường, 133 đề tài cấp khoa, 185 đề tài của sinh viên và hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, hàng trăm giáo trình, bài giảng đã được xuất bản. Hoạt động NCKH không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà trường được quan tâm và được xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Giai đoạn năm 2005 - 2015, Nhà trường đã khai thác và triển khai gần 40 dự án với tổng kinh phí cam kết gần 3 triệu USD. Trường đã cử gần 150 lượt cán bộ, giảng viên, sinh viên đi học tập, giao lưu và tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế, trong đó có một số cán bộ, giảng viên đi học thạc sỹ và tiến sỹ tại nước ngoài. Trường cũng đón hơn 200 đoàn với gần 500 lượt khách quốc tế, sinh viên quốc tế đến làm việc và học tập tại Trường. Hiện nay, Trường Đại học LĐXH đã có quan hệ hợp tác với 23 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế.Để phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực lao động - xã hội, trong thời gian tới Trường Đại học Lao động - Xã hội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, duy trì hợp lý quy mô đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và từng bước tiếp cận trình độ quốc tế. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học theo hướng đáp nhu cầu xã hội; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn; tích cực phát huy tính chủ động của người học; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học; khai thác các nguồn tư liệu giáo dục mở. Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hoạt động của Thư viện nhà trường, hòa vào mạng thông tin của các trường ĐH, CĐ trong nước và thế giới. Duy trì các hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác hiện có, mở rộng quan hệ với các đối tác mới để thực hiện các hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ của Nhà trường.

Hai là, phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và đạt về chất lượng chuyên môn; bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm; đổi mới phương pháp tiếp cận, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên; mời các nhà khoa học, các giáo sư, phó giáo sư đầu ngành đến thỉnh giảng và tham gia hướng dẫn học viên sau đại học. Rà soát, quy hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện để lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện mô hình cơ cấu tổ chức bộ máy và thiết chế quản lý nội bộ đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, biên chế, phân cấp quản lý cán bộ và nguồn kinh phí hoạt động, từng bước tạo các nguồn tài chính hợp pháp, đáp ứng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của trường. Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa.

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh