THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:58

Trung úy công an mở lớp luyện thi miễn phí cho học sinh nghèo

 

17h30 hàng ngày, sau giờ giảng trên lớp, trung úy Tạ Quang Quyết (26 tuổi, giảng viên Học viện An ninh Nhân dân) di chuyển hơn 5 km trên chiếc xe máy bạc màu, đến lớp học quen thuộc.

Trong căn phòng rộng gần 20 m2 nằm phía cuối hành lang khu tập thể trên đường Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội), "lò" luyện thi đại học đặc biệt của thầy giáo Quyết có khá đông học sinh.

Chàng trai 9X đứng trên bục giảng, truyền tình yêu con chữ tới học sinh nghèo nuôi ước mơ bước vào giảng đường.

Ươm mầm những ước mơ

 Sau khi tốt nghiệp loại giỏi Học viện An ninh Nhân dân, Tạ Quang Quyết được thăng quân hàm trung úy và được giữ lại trường giảng dạy. Theo thầy giáo trẻ, anh tình cờ gắn bó với lớp luyện thi đại học miễn phí hơn 3 năm.

Vào một buổi chiều, trên đường chờ xe về quê, anh gặp cô bán nước vỉa hè. Trong cuộc trò chuyện, cô tâm sự con trai thi đại học mà gia đình khó khăn không có tiền cho đi ôn tập. Đồng cảm với nỗi trăn trở của người mẹ, giảng viên trẻ ngỏ ý kèm thêm miễn phí, giúp con trai cô bán nước thi tốt.

 

Trung uy cong an mo lop luyen thi mien phi cho hoc sinh ngheo hinh anh 1

Thầy Quyết trong giờ giảng ở lớp luyện thi đại học miễn phí. 


Thời gian đầu, thầy giáo trẻ nhận kèm một học trò mỗi tuần 2 buổi. Sau đó, một số bạn khác có nguyện vọng học. Bởi vậy, anh tập trung các bạn thành lớp nhỏ ngay tại nhà. Học sinh truyền tai nhau, ngày một đông người tìm thầy Quyết nhờ phụ đạo.

Sau gần 3 năm, được sự giúp đỡ của bạn bè, thầy giáo 26 tuổi mở riêng lớp luyện thi để hỗ trợ cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn, học sinh tỉnh lẻ lên Hà Nội ôn tập.

Nhớ lại những ngày đầu, thầy giáo 9X gặp rất nhiều khó khăn. Công việc ở trường khá bận, chương trình phổ thông có nhiều đổi mới, đặc biệt là hình thức thi.

Nhờ sự động viên của bạn bè, nhìn vào các bạn học sinh đam mê, miệt mài học tập và những ước mơ còn dang dở của các em, động lực của trung úy công an được củng cố.

Hiện, thầy Tạ Quang Quyết được nhiều sinh viên từng là thủ khoa của các trường đại học hay học sinh giỏi quốc gia hỗ trợ giảng dạy. Đó là điểm thuận lợi cho học sinh nghèo khi các em được chính những người giỏi đi trước truyền kinh nghiệm ôn tập và thi cử.

Ba năm qua, nhiều học trò của thầy Quyết đỗ vào các trường như Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Ngoại thương, Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM...

Tương lai, nam giảng viên An ninh dự định phát triển và mở rộng lớp học. Thầy Quyết muốn tăng số lượng học sinh nghèo có cơ hội được học tập.

Chàng trai của vùng đất hiếu học

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê hiếu học huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Tạ Quang Quyết có nhiều cố gắng, phấn đấu trong học tập, cũng như trong các hoạt động đoàn thể của trường, lớp.

Kỷ luật học tập tại Học viện An ninh Nhân dân rất nghiêm, đặc biệt trong việc quản lý thời gian và điều lệnh nội vụ. Điều đó phần nào ảnh hưởng quá trình học tập và sinh hoạt chuẩn chỉnh của học viên.

Với sự quyết tâm và nỗ lực, chàng trai Nghệ An nhanh chóng hòa nhập với môi trường, từng bước khẳng định bản thân.
Sau 5 năm học tập, Tạ Quang Quyết ra trường với danh hiệu học viên giỏi, điểm tổng kết 8,75.

Quá trình rèn luyện tại Học viện An ninh Nhân dân, Quyết tích cực tham gia nhiều phong trào. Anh được nhiều thầy cô và bạn bè biết đến là người đam mê nghiên cứu khoa học: 3 giải nhất cá nhân nghiên cứu khoa học cấp học viện, gần 20 giải nhất tập thể nghiên cứu khoa học. 

Ngoài ra, chàng trai quê Nghệ An còn đạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi tìm hiểu do các cấp bộ, ban ngành phát động. Tốt nghiệp đại học với danh hiệu học viên giỏi và bảng thành tích tốt, thầy giáo 9X được giữ lại học viện công tác.

Trong quá trình giảng dạy, công việc chuyên môn khá nhiều, song thầy giáo 26 tuổi vẫn dành thời gian thực hiện đam mê. Trong đó, thầy dành phần lớn thời gian ngoài giờ của mình để luyện thi đại học cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

 

Hiện tại, thầy Quyết trực tiếp dạy các môn khoa học xã hội cho học sinh nghèo. Nam giảng viên cho hay: "Ban đầu, học sinh rất chán nản môn học xã hội, nhất là môn Lịch sử với rất nhiều số liệu và sự kiện.

Theo thầy giáo trẻ, nhiều học sinh hiện nay ngại đọc. Muốn học trò đam mê, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng lớp. Thầy cô phải biến bài học thành cuộc tranh luận hay trình bày quan điểm cá nhân. Như vậy, kiến thức sẽ đi sâu vào tâm trí các em.

Đối với các môn khoa học xã hội, kinh nghiệm của nam giảng viên là học sinh phải thực hành nhiều. Các em cần nắm chắc kiến thức cơ bản, sau đó đi sâu nghiên cứu vấn đề mang tính khái quát, bài học rút ra.

Đề thi THPT quốc gia năm nay theo hình thức trắc nghiệm khách quan, quan điểm của nam giảng viên là thí sinh không nên chỉ tập trung làm bài trắc nghiệm.

Điều quan trọng là phải học theo hình thức tự luận, sau đó vận dụng vào các bài trắc nghiệm. Như vậy, đề ra theo phương pháp nào, thí sinh đều có thể làm được.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh