Trung ương Đảng thảo luận về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Tây Y
- 16:11 - 04/10/2023
Ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.
Cách đây 10 năm, Hội nghị Trung ương 8 khoá XI đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với sự đổi mới tư duy mạnh mẽ và có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp mang tính đột phá, khả thi cao.
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết quan trọng này là việc làm hết sức cần thiết.
Việc này để Trung ương phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống tình hình và đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực đã và đang có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường.
Tổng Bí thư, Trung ương tập trung phân tích, đánh giá thật khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu; chỉ rõ những mục tiêu, quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp nào đã được thực tế kiểm nghiệm là đúng đắn, cần tiếp tục kiên trì, nghiêm túc thực hiện.
Đồng thời, cần phân tích thật thấu đáo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, thấy rõ những biến đổi sâu sắc, diễn biến phức tạp, khó lường và dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới để kịp thời bổ sung, phát triển một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho phù hợp với tình hình mới.
“Tập trung làm rõ những thuận lợi, cơ hội cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức phải vượt qua để chủ động từ sớm, từ xa, trong mọi tình huống đều bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, cho ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo nghị quyết mới của Trung ương về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Tổng Bí thư phát biểu.
Chiều ngày 4/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 10/6/2012 của Hội nghị Trung ương 5 khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.
Trước đó, ngày 3/10. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới.
Mới đây, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức trong đó có đề cập tới nội dung về cải cách chính sách tiền lương. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, để chuẩn bị cho việc cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức để làm căn cứ xác định vị trí việc làm, biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức.
Việc xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm cán bộ, công chức giai đoạn từ năm 2019 đến nay đã có sự thay đổi về cách tiếp cận cả lý luận và thực tiễn về vị trí việc làm. Việc triển khai vị trí việc làm trong hệ thống chính trị làm cơ sở cho việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm và xác định biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và tiến tới trả lương theo vị trí việc làm theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
"Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Trung ương, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW kể từ 1.7.2024", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.