Trung tâm xử lý tin giả bóc trần hàng loạt tin thất thiệt về COVID-19
- Tây Y
- 00:02 - 31/01/2021
Trong hai ngày gần đây, khi xuất hiện trở lại các ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, tình hình dịch bệnh phức tạp với số ca lây nhiễm cao ở Quảng Ninh và Hải Dương, các đối tượng xấu đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, rối loạn xã hội.
Ngay lập tức những thông tin này đã được cơ quan chức năng kiểm chứng, xác minh, dán mác tin giả và điều tra để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Gia tăng số tin giả, sai sự thật
Ngày 28/1/2021, trên mạng xã hội lan truyền một văn bản kê khai thông tin về lịch trình của một người được cho là nhiễm COVID-19 tên là Phạm Anh Tuấn ở Quảng Ninh, trong đó đáng chú ý là nội dung bệnh nhân khai đi hát karaoke "tay vịn."
Thực tế, xác minh của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho thấy qua rà soát, tỉnh có 1 trường hợp tên P.A.T ở thành phố Cẩm Phả thuộc diện F1 hiện đang được cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh.
Anh T đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần 1. Nội dung tờ khai trên không phải do anh T hay cơ quan chức năng địa phương phát hành mà do các đối tượng xấu tự biên, đăng tải.
Hay ngày 29/1/2021, có thông tin "24h đêm mai phong tỏa Hà Nội…" thông qua một người đăng tin trong nhóm chat trên mạng xã hội thông báo về việc Hà Nội sẽ phong toả vào "24h đêm mai." Người này được cho là bị điều động đi dựng hàng rào...
Nội dung này đã được Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông) xác minh, dán nhãn tin giả...
Đây là 2 trong số nhiều thông tin được Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam rà quét, phát hiện trên không gian mạng. Những thông tin này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19, gây hoang mang, bất ổn trong xã hội.
Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam đề nghị cộng đồng cần cẩn trọng khi tiếp nhận, chia sẻ thông tin từ các nguồn tin không chính thức, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác truy vết, phòng chống dịch bệnh. Trung tâm sẽ chuyển cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trước đó, một thông tin khác cũng được lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến việc vợ của một bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 đã phục vụ ăn uống cho đoàn làm chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam đã được cơ quan này đính chính nội dung không chính xác.
Đây không phải lần đầu tiên tin giả về dịch COVID-19 xuất hiện, trước đó trong hai đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, đã có hàng trăm thông tin giả được đăng tải, chia sẻ. Bằng biện pháp kỹ thuật, cũng như các phần mềm công nghệ, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý các đối tượng đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật.
Nhiều công cụ hữu hiệu nhận biết tin giả
Tin giả được xác định có hai dạng thức. Loại thứ nhất là những thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó; loại thứ hai là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó.
Việc nhận diện tin giả, xác định nguyên nhân xuất hiện và tác hại của nó là cơ sở để nâng cao cảnh giác chủ động phòng, chống tin giả góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho ra mắt cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả: http://tingia.gov.vn/ và đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108. Đây được coi là công cụ hữu hiệu, giúp công chúng nhận biết được các thông tin giả, thông tin sai sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu, độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch.
Trang http://tingia.gov.vn/ do Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam quản lý sẽ thực hiện việc tiếp nhận thông tin; chủ động đánh giá các thông tin có xu hướng lan tỏa lớn, thẩm định, công bố để cảnh báo. Khi có kết luận của cơ quan chức năng thì công bố, đóng dấu tin xác thực, đăng thông tin. Tin do tổ chức, cá nhân phản ánh sẽ được yêu cầu cung cấp căn cứ gửi cơ quan chức năng để xác thực.
Quy trình công bố tin giả là tin giả sẽ được đóng dấu tin giả, đăng nội dung công khai trên trang. Tin sai sự thật, sai một phần thì đóng dấu tin sai sự thật. Tin xác thực là tin đúng sự thật, đã được thẩm định, được cơ quan chức năng kết luận thì đóng dấu xác thực.
Cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời là Cổng thông tin chính thức công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật, công bố tin xác thực.
Mọi cá nhân, tổ chức có thể phản ánh về tinh giả qua đầu số 18008108, tổng đài của Tập đoàn Viettel sẽ tự động và có người trực để hướng dẫn người dân cách gửi thông tin. Với việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc xác minh, điều tra, xử lý, chắc chắn các đối tượng đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật, tin giả sẽ sớm bị xử lý.
Mỗi người dân hãy là một "lá chắn" đối với tin giả
Theo quy định của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các đối tượng lợi dung mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng; đối với tổ chức sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.
Đồng thời, Bộ Luật Hình sự năm 2015 có quy định trường hợp người có hành vi đưa lên mạng xã hội thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc gây dư luận xấu thì bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, với khung hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm.
Hệ thống pháp luật đã có, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng bằng các công cụ nhận biết hiệu quả, chắc chắn các thông tin giả sẽ sớm được nhận biết và các đối tượng đăng tải, chia sẻ thông tin sẽ sớm bị xử lý.
Việt Nam là một trong 10 nước đứng hàng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội, với gần 64 triệu tài khoản Facebook và gần 35 triệu tài khoản Youtube. Để tránh chia sẻ, phát tán những thông tin giả, thông tin không đúng sự thật, mỗi người cần tỉnh táo, trở thành "người đọc thông thái," thực hiện trách nhiệm công dân trong việc đưa tin, chia sẻ trên mạng xã hội; không nên chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.
Tin giả về việc bệnh nhân COVID-19 đi hát 'karaoke tay vịn.' (Nguồn: tingia.gov.vnTrong năm 2020, trải qua hai đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, các thông tin chính thống đã tạo nên sức mạnh tập hợp lòng dân, đoàn kết để cả dân tộc chiến thắng dịch bệnh. Không một tin giả, tin sai sự thật nào không bị phát hiện và xử lý.
Bước vào cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 lần thứ ba với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, mọi công cụ phát hiện, xử lý tin giả sẽ được áp dụng trở lại và rất nhanh chóng, các tin giả, tin sai sự thật sẽ bị phơi bày.
Nói không với tin giả, tin sai sự thật, mỗi người dân hãy thật sự trở thành một phần của "lá chắn" trước những luồng thông tin độc hại, chung sức, đồng lòng cùng các cơ quan chức năng sớm đẩy lùi dịch bệnh.