Trung Quốc: Lợi dụng nhóm người dễ tổn thương để vận chuyển ma túy
- Tây Y
- 21:39 - 12/05/2017
Cảnh sát tiêu hủy số ma túy bị thu giữ trong một vụ án.
Gần đây, nhiều băng đảng tội phạm ma túy đã để mắt tới nhóm người thường là người khuyết tật, mắc bệnh mãn tính hoặc bệnh truyền nhiễm cấp tính, phụ nữ mang thai và cho con bú để vận chuyển ma túy bởi Luật Hình sự Trung Quốc có một số điều khoản cho phép họ có thể xin bảo lãnh trước khi bị kết án và sau đó nộp đơn xin tạm tha về sức khỏe để được phép thụ án bên ngoài trại giam. Ngay cả khi bị kết án, họ cũng có thể tránh được ngồi tù nếu sức khỏe không đáp ứng và phải điều trị nội trú tại bệnh viện.
Đối tượng “dễ thuê” của tội phạm
Lý do khác khiến nhóm người dễ bị tổn thương là mục tiêu của tội phạm ma túy là họ dễ bị cám dỗ bởi những khoản tiền công mà kẻ buôn hàng cấm cung cấp. Thêm nữa, “họ tin rằng mình có cơ hội cao tránh được sự kiểm tra của cảnh sát. Ví dụ, trong một số trường hợp, ma túy được giấu trong các chi giả” - luật sư Ngụy Kiện - một chuyên gia về luật hình sự ở Bắc Kinh cho biết.
Theo báo cáo hàng năm về tình trạng buôn bán ma túy ở Trung Quốc do Văn phòng Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc gia cung cấp, năm 2016, hơn 5.300 người thuộc nhóm dễ tổn thương nói trên đã bị bắt giữ trong khi vận chuyển ma túy. Đáng chú ý, 782 trong số đó là người nước ngoài và phần lớn đến từ Myanmar.
Tháng 8/2016, một thai phụ 18 tuổi đến từ Myanmar bị bắt giữ với gần 3kg methamphetamine giấu trong 80 chiếc bánh Trung thu. Người này được thuê để mang ma túy từ Myanmar tới thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và bị bắt khi chuẩn bị giao số “bánh Trung thu” cho người mua. Cô ta khai nhận được trả 5.000 NDT (730 USD) nếu giao dịch thành công. Trong trường hợp tương tự, một thiếu nữ 16 tuổi người Myanmar đã bị bắt tại một bến xe buýt ở Côn Minh khi mang theo 2,8kg ma túy đá giấu trong 2 hộp bánh Trung thu.
Theo thống kê từ đơn vị kiểm nghiệm ma túy thuộc Bộ Công an Trung Quốc, hơn 95% heroin thu giữ được ở Trung Quốc trong năm 2016 là đến từ Tam giác Vàng (khu vực giữa Lào, Myanmar và Thái Lan), trong khi 87% ma túy đá thu giữ được cũng đến từ khu vực này.
1.876 người nước ngoài đã bị bắt giữ vì cố buôn lậu 6,6 tấn ma túy các loại vào Trung Quốc năm ngoái. Ngoài ra, nhiều người châu Phi cũng bị phát hiện mang heroin từ khu Lưỡi liềm Vàng (Afghanistan, Iran và Pakistan) vào Trung Quốc. Hồi tháng 7-2016, một phụ nữ Nam Phi đã bị nhân viên hải quan Bắc Kinh chặn lại vì giấu 1kg cocaine trong người.
Mạnh tay với kẻ lợi dụng pháp lý
Do tình trạng phạm tội ma túy liên quan tới người tàn tật và dễ tổn thương tăng lên, giới chức thực thi pháp luật Trung Quốc đã quyết định áp dụng cách tiếp cận “nắm đấm sắt” đối với những kẻ cố tình lợi dụng sơ hở và sự bảo vệ của pháp luật.
Điển hình cho cách tiếp cận nghiêm khắc này là vụ việc Tao Đào Quang Ngọc, một phụ nữ mù ở Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) ngày 20/4/2016 bị tử hình vì buôn bán ma túy. Đây là trường hợp hiếm hoi về hình phạt tử hình dành cho một người khuyết tật trong vụ án về ma túy. Đào bị kém thị lực do di truyền và mù hoàn toàn vào năm 2011.
Cũng thời điểm này, cô bắt đầu sử dụng ma túy và tổ chức các thành viên trong gia đình buôn bán chất cấm. Cô ta sử dụng người cha bị mù và em gái mang thai để chuyển phát ma túy. Kết quả, 2 người này cùng anh trai và chị dâu của Đào cũng bị kết án tù.
Ông Nguyễn Kỳ Lâm, một giáo sư về luật hình sự tại Trường Luật và Khoa học chính trị Trung Quốc cho biết, phải áp dụng hình phạt thật nặng với những đối tượng sử dụng người khuyết tật hoặc dễ tổn thương trong các giao dịch ma túy để ngăn chặn tình trạng lợi dụng này trở lên phổ biến.
Theo ông Lâm, giới chức cần thông qua cộng đồng để giám sát chặt hơn những tội phạm buôn ma túy mà không phải ngồi tù; đồng thời khuyến nghị cung cấp cho những người dễ tổn thương nhiều khoản an sinh xã hội hơn để họ không dễ sa ngã vào những công việc phi pháp kiếm thêm thu nhập.