CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:46

Trừng phạt bằng đánh mắng khiến trẻ tin rằng bạo lực là cách thức để giải quyết vấn đề

Quan niệm truyền thống "Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" tồn tại từ xưa đến nay. Tuy nhiên, bạo lực và trừng phạt chưa bao giờ là cách thức giáo dục hiệu quả. Việc tìm ra một phương pháp giáo dục không đòn roi, không nước mắt mà vẫn đạt được hiệu quả vẫn là một bài toán khó với mỗi gia đình.

Trừng phạt bằng đánh mắng khiến trẻ tin rằng bạo lực là cách thức để giải quyết vấn đề - Ảnh 1.

Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm.

Tại buổi toạ đàm trực tuyến "Chuyện nhà mình – Giáo dục bằng yêu thương" do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) vừa tổ chức, các chuyên gia thảo luận về các phương pháp giáo dục tích cực và hướng tới chấm dứt trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ em.

Bà Trần Vân Anh – Giám đốc chương trình MSD nói: "Việc chịu đựng những trừng phạt về thể chất và tinh thần sẽ gây ra những vết thương đối với trẻ em. Những vết thương trên cơ thể có thể sẽ lành, nhưng những vết thương về tâm lý sẽ hằn sâu, thậm chí sẽ đi theo những đứa trẻ cả cuộc đời và không thể chữa lành được. Với chiến dịch Lan toả yêu thương năm nay với chủ đề "Giáo dục bằng yêu thương", chúng tôi mong muốn đồng hành cùng với các gia đình trong việc chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần như đánh, quát mắng, từ bỏ những phương pháp giáo dục đầy nước mắt mà thay vào đó là những phương pháp giáo dục tích cực để trẻ được sống trong vòng tay yêu thương, được phát triển toàn diện, tự tin vào bản thân mình và phát huy được những tố chất, khả năng đặc biệt mà trẻ có."

Em Hồ Anh Tuấn học sinh trường THCS Nam Từ Liêm cho rằng: "Khi bị bố mẹ phạt, thường thì con rất sợ, và con cũng từng nghĩ trong lòng là sẽ không tái phạm nữa. Nhưng vì con vẫn là trẻ con, nên đôi khi việc sửa sai rất khó. Con muốn khi con mắc lỗi thì bố mẹ có thể chỉ ra những lỗi của con, hướng dẫn con cách giải quyết và đặt ra mục tiêu cũng như phần thưởng khi con đạt được. Như vậy con sẽ có động lực, đó không phải động lực để không bị đánh mà là động lực để làm những việc tốt hơn."

Tại buổi trò chuyện, các diễn giả cho rằng, các hình thức trừng phạt bằng đánh mắng có thể mang lại kết quả tức thời nhưng không dạy được trẻ bài học về việc phân biệt đúng sai, mà có thể khiến trẻ tin rằng bạo lực là cách thức để giải quyết vấn đề, khiến người khác làm theo ý mình và tệ hơn nữa, có thể biến trẻ trở thành một người ưa bạo lực và cư xử hung hăng khi lớn lên.

Là người đã có nhiều năm nghiên cứu về tâm lý học và phương pháp kỉ luật tích cực, PSG.TS Lê Văn Hảo chia sẻ: "Khi trẻ con không biết đọc, ta dạy chúng đọc. Khi trẻ con không biết đi xe đạp, ta dạy chúng đạp xe. Vậy thì tại sao khi chúng cư xử chưa tốt, ta lại đánh mắng mà không dạy chúng? Tình yêu thương không nhất thiết phải thể hiện bằng cách đau đớn như vậy. Việc giáo dục bằng bạo lực và trừng phạt về lâu dài sẽ khiến trẻ chai lì và phản tác dụng. Cha mẹ hãy trở thành những người bạn của con, hãy lắng nghe con bằng cả trái tim của mình. Việc áp dụng giáo dục tích cực cần đảm bảo 3 nguyên tắc, thứ nhất là tôn trọng con và mong muốn của con; thứ hai là cần sự nhất quán, và thứ ba bố mẹ hãy nhớ rằng việc giáo dục con là một quá trình lâu dài, vậy nên bố mẹ hãy kiên nhẫn với con."

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành bổ sung thêm: "Có nhiều bố mẹ tin rằng mình đang chăm sóc con tốt hơn thời trước và thường hay nói rằng các con sung sướng hơn bố mẹ rất nhiều. Nhưng thực tế là trẻ em đang bị thu hẹp không gian tự do của mình bởi sự bao bọc, hay thậm chí là sự áp đặt, kiểm soát của cha mẹ. Chúng ta đang nhân danh yêu thương, nhân danh vai trò làm bố mẹ để cho mình quyền như vậy, nhưng tôi tin rằng mỗi đứa trẻ đều là một phiên bản duy nhất, và chúng sẽ trở thành một phiên bản tốt nhất nếu được cha mẹ hướng dẫn, hỗ trợ và để chúng được tự do phát triển với những ước mơ của mình."

Trên cương vị của một người cha, anh Nguyễn Đắc Tùng chia sẻ: "Trong quá trình nuôi dạy con, tôi đã từng đánh và mắng con khi cảm thấy con đang làm những việc không đúng, thậm chí là nguy hiểm và tôi nghĩ mình cần để con nhớ không bao giờ lặp lại nữa. Nhưng khi con còn nhỏ, tôi không nghĩ cháu có thể hiểu mục đích hành động của tôi, cháu sẽ nghĩ bố mẹ không thích việc đó và sẽ không lặp lại. Một việc khác mà tôi thấy rất khó là việc xin lỗi con vì cảm thấy ngại ngùng. Nhưng khi tôi vượt qua được sự ngại ngùng đó, tôi khiến con hiểu rằng ai cũng có thể mắc lỗi, đồng thời cũng dạy con về việc xin lỗi khi con làm sai, bởi trẻ học từ người lớn rất nhiều ."

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh