THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:10

Trúng lộc biển đầu xuân

 

Rời làng chài Phước Hải, ba tàu của gia đình ông Nhàn hướng biển Cảnh Dương (thuộc Bà Rịa-Vũng Tàu áp tỉnh Cà Mau) thẳng tiến. “Đêm 28 tháng Chạp, tui đánh được một vựa cá khổng lồ chừng gần 3 tấn. Sáng 30 Tết, thêm một mẻ lớn cá nữa. Mồng 1 năm mới, tôi cho tàu thả trôi ăn Tết. Mấy đứa mới vô nghề, ăn xong thả cần câu tranh thủ câu thêm mớ mực, tôi cho chúng hết, coi như lì xì năm mới”-ông Nhàn nói.

Cùng với bố ra khơi, tàu cá của anh con trai đầu ông Nhàn, anh Dương Văn Can cũng trúng đậm. “Năm nào bố con em cũng ra khơi đánh cá trước Tết. Đón giao thừa trên biển, cũng có đủ bánh tét, rượu bia... lại được mẻ cá lớn, về nhà đón Tết muộn cũng vui…”-anh Can phấn khởi. Với giá thu mua cá hiện nay, thì trừ chi phí đá lạnh, dầu nhớt, trả tiền cho 18 nhân công, ba bố con ông Nhàn thu lời gần 200 triệu đồng. 

Cùng cặp cảng với đội tàu nhà ông Nhàn, cặp tàu của cha con ông Trần Văn Thạnh cũng mang về gần 40 tấn lộc biển đầu năm. Ông Thạnh quê ở Diễn Châu (Nghệ An) vào Phước Tỉnh làm nghề đi biển đã hơn 10 năm. Ông cho biết, bốn lần đón Tết trên biển là cả bốn lần anh cùng các bạn ngư phủ trên ghe lăn lộn với sóng to gió lớn. Nhưng bù lại đánh cá những ngày cận Tết luôn trúng những mẻ cá lớn.

Làng chài đầu năm mới nhộn nhịp đón những chuyến tàu cá cập bến, bà Nguyễn Thị Hải, một chủ thu mua hải sản có tiếng trong vùng, nói oang oang:  “Mới đầu năm mà nhiều tàu trúng lớn. Chú thấy đấy, nhà cửa, ô tô ở làng đều từ đánh bắt hải sản cả. 15 năm trước, tôi từ Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vô đây với hai bàn tay trắng, bây giờ xây được nhà cửa đề huề, yên tâm lập nghiệp, tất cả đều từ buôn bán hải sản”.

Xã Phước Tỉnh có hơn 80% hộ dân làm nghề đi biển đánh bắt xa bờ được coi là địa phương làm giàu từ nghề đi biển và dịch vụ nghề cá. Hàng trăm gia đình sắm được ô tô, xây được nhà lầu với đầy đủ các tiện nghi đắt tiền, tất cả đều từ biển mà có. Ông Trần Văn Ân, một ngư phủ gia đình có ba thế hệ làm nghề đi biển, tâm sự: “Nghề đi biển cũng gian khổ lắm, bão bùng, sóng gió hiểm nguy  luôn cận kề. Nhưng hơn 40 năm gắn bó với nghề biển, chưa bao giờ tôi có ý định từ bỏ nó. Nói thật với anh, nếu không đi biển đánh cá, tôi cũng không biết làm nghề gì để sống.…”

Những sọt cá đù từ tàu của ba bố con ông Nhàn chuyển lên cầu cảng Phước Tỉnh.

Với hàng trăm chủ ghe tàu và ngư phủ ở làng chài Phước Tỉnh, nghề đi biển đã ngấm vào máu, lâu lâu không ra khơi, họ thấy nhớ biển. Ông Trần Văn Ân, lão ngư Dương Văn Tài cũng đều có gần nửa thế kỷ bám vùng biển Hoàng Sa-Trường Sa, đánh bắt hải sản gia đình họ có đầy đủ cuộc sống sung túc mà nhiều người phải mơ ước. Với các ông, niềm hạnh phúc nhất là được đi biển đánh bắt hải sản trên vùng biển của Tổ quốc mình. Ông Tài chia sẻ: “ Đi biển mưu sinh, nhưng cũng là giữ ngư trường tuyền thống.Tuổi như chúng tôi lẽ ra phải nghỉ ngơi, nhưng biển đã ngấm vào máu thịt, không đi nhớ lắm. Tôi luôn nhắc nhở  con cháu tiếp nối nghề cha ông, khai thác hải sản cũng là góp phần bảo vệ biển đảo quê hương…”.

Mới 32 tuổi, anh Dương Văn Khanh đã làm chủ con tàu cá lớn. Chuyến biển đầu năm, con tàu của anh đánh được hơn chục tấn cá bò. Niềm vui giãn nở trên khuôn mặt chàng ngư phủ quê Diễn Châu (Nghệ An): “Thời tiết thuận lợi năm nay hứa hẹn một mùa cá bội thu. Chuyến biển vừa rồi chúng em đánh cá tận gần quần đảo Hoàng Sa. Lênh đênh hơn một tháng, trừ chi phí dầu nhớt, mỗi lao động cầm tay trên dưới hai chục triệu đồng…”, anh Khanh hồ hởi. “Mỗi lần đi biển, chúng tôi đều có ý thức bảo vệ, giữ gìn tài nguyên, chỉ chọn bắt cá lớn, kéo lưới được mẻ cá nhỏ, chúng tôi thả lại biển liền. Phải bảo vệ nguồn lợi hải sản cho những chuyến tiếp sau…” - anh Khanh tâm sự.

Nghỉ ngơi chừng chục ngày, tàu của bố con ông Thạnh, ông Nhàn, anh Khanh lại giong buồm ra khơi chuyến thứ hai. Để rồi sau hơn 1 tháng, họ lại trở về với những khoang cá đầy ắp trong niềm vui chờ đón của người thân làng chài Phước Tỉnh. 

 

Ở làng cá Phước Tỉnh, số hộ gia đình sở hữu vài cặp tàu trở lên không hiếm. Hiện nay, số lượng tàu thuyền toàn xã có 1.040 chiếc, trong đó số lượng tàu thuyền có công suất lớn chiếm đến 85%. Do có nghề cá phát triển nên việc đóng những chiếc tàu làm phương tiện để đánh bắt hải sản cũng rất được chú trọng. Làng có 5 ụ đóng tàu, thu hút hàng trăm thợ lành nghề và rất nhiều lao động địa phương làm việc, hàng năm, cho hạ thủy hơn 40 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, công suất lớn từ 500CV đến 900CV. Mỗi chiếc loại này được đóng với chiều dài trung bình 25 mét và chiều rộng 7 mét, có giá hơn 3 tỉ đồng trở lên.

TRẦN MẠNH TUẤN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh