THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:21

Trúng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO: Thúc đẩy hợp tác, mở ra những “không gian phát triển mới” cho Việt Nam

Trả lời phỏng vấn báo chí Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, việc lần thứ 5 Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt.

Trả lời phỏng vấn báo chí Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, "việc lần thứ 5 Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt".

Ngày 17/11/2021 trong khuôn khổ Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris (Pháp), Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu 163/178, xếp thứ 6/27 quốc gia trúng cử.

- Bộ trưởng đánh giá ý nghĩa của sự kiện này?

UNESCO là một trong các tổ chức chuyên môn quan trọng của Liên hợp quốc, có chức năng thúc đẩy hợp tác giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin - truyền thông.

Nội dung hợp tác của UNESCO trong những lĩnh vực này phù hợp với chủ trương, quan điểm phát triển của Đảng và Nhà nước ta như: lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển, văn hoá là nền tảng tinh thần, giáo dục - đào tạo và khoa học- công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Ngày 17/11/2021, ngay trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11), Việt Nam là một trong 27 nước trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021 - 2025 với số phiếu rất cao, đạt xấp xỉ 92%, xếp thứ 6/27 quốc gia trúng cử.

Cùng với trúng cử vào các tổ chức, thể chế đa phương có uy tín gần đây, việc lần thứ 5 Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt:

Thứ nhất, tiếp tục góp phần khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai đồng bộ và phối hợp hiệu quả giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương.

Thứ hai, việc nước ta trúng cử vào Hội đồng Chấp hành UNESCO với số phiếu rất cao khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Cho thấy cộng đồng quốc tế ủng hộ sự tham gia tích cực của Việt Nam vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức của Liên hợp quốc.

Thứ ba, việc trở thành Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO tạo điều kiện cho Việt Nam trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO, từ đó mở ra cơ hội thuận lợi cho chúng ta bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia- dân tộc trong hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học-công nghệ ở tầm toàn cầu.

Ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 phát biểu tại buổi họp của UNESCO.

Ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 phát biểu tại buổi họp của UNESCO.

Đồng thời tranh thủ tri thức và các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế- xã hội, trực tiếp góp phần phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, phát triển giáo dục- đào tạo và khoa học- công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

- Xin Bộ trưởng cho biết trên cương vị Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào UNESCO như thế nào?

Với tư cách là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực đóng góp vào hoạt động của UNESCO, đặc biệt là trong các vấn đề quan trọng, được UNESCO và các nước thành viên quan tâm như:

Cải cách nhằm tăng cường dân chủ, minh bạch và nâng cao uy tín của UNESCO; Xây dựng các chính sách và tìm giải pháp nhằm bảo vệ, thúc đẩy lợi ích của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam; Đóng góp vào các chương trình trọng tâm của UNESCO hiện nay như: tiêu chuẩn về đạo đức Trí tuệ nhân tạo, giáo dục vì sự phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Có thể nói, trong thời gian tới, Việt Nam quyết tâm hoàn thành trách nhiệm là ủy viên Hội đồng Chấp hành để thúc đẩy, phát huy vai trò của UNESCO vì sự tiến bộ chung của nhân loại.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến, nguồn lực của UNESCO, mở ra những “không gian phát triển mới” cho Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của xã hội và tạo cơ sở thuận lợi để nước ta hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hội đồng Chấp hành gồm 58 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO, chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và ngân sách của tổ chức, bỏ phiếu chọn ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO để Đại hội đồng UNESCO thông qua.

 

Đây là lần thứ 5 Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO. Trước đó, Việt Nam đã từng là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013 và nhiệm kỳ 2015-2019.

 

Trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành nhiệm kỳ 2021-2025 là cơ hội để Việt Nam đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO trên 5 lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin truyền thông;

 

Đồng thời khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Thanh Nhung

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh