Trung bình số ca nhiễm COVID-19 mới trong nước trong 07 ngày qua là 1.487 ca/ngày
- Y học 360
- 11:30 - 25/05/2022
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 24/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.323 ca nhiễm mới trong đó 1 ca nhập cảnh và 1.322 ca ghi nhận trong nước tại 43 tỉnh, thành phố (có 941 ca trong cộng đồng).
Số ca mắc mới trong ngày nhiều nhất vẫn là Hà Nội với 321 ca; 42 tỉnh, thành còn lại chỉ dao động từ 1 ca đến dưới 100 ca là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Quảng Ninh, Nghệ An, Hải Dương, Tuyên Quang, Bình Phước, Lào Cai, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Nam Định, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Hà Giang, Lâm Đồng, Quảng Bình, Sơn La, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Điện Biên, Quảng Trị, Ninh Bình, Cao Bằng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Lai Châu, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Bình Dương, Gia Lai, Bình Thuận, Bến Tre, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu.
Như vậy 20 tỉnh, thành còn lại không có ca mắc mới. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 1.487 ca/ngày. Đây là con số thấp nhất trong nhiều tháng qua, đặc biệt so với giai đoạn cao điểm của dịch bệnh COVID-19 cuối tháng 2, đầu tháng 3/2022 thì chỉ bằng gần 1/100.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.711.389 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.205 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.703.631 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.598.484), TP. Hồ Chí Minh (609.206), Nghệ An (484.208), Bắc Giang (387.530), Bình Dương (383.770).
Đến nay, tổng số ca người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 9.412.403 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.255.910 trường hợp, trong đó có 216 trường hợp nặng đang điều trị, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 171; Thở ô xy dòng cao HFNC: 27; Thở máy không xâm lấn: 4; Thở máy xâm lấn: 12; Thở ECMO: 2.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn.
Đánh giá xu hướng tăng/giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai báo ca bệnh tại cộng đồng, hỗ trợ triển khai các thủ tục, chính sách đối với người nhiễm bệnh và mua thuốc điều trị COVID-19.