Trung bình mỗi tháng có hơn 1.580 công chức, viên chức thôi việc
- Tây Y
- 11:07 - 19/07/2023
Dự thảo Báo cáo công tác cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 cho thấy, từ ngày 1-7-2022 đến ngày 30-6-2023, tổng số công chức, viên chức thôi việc là 18.991 người. Con số này được tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Như vậy, bình quân mỗi tháng có hơn 1.580 người thôi việc, cao hơn mức bình quân 1.318 người/tháng, giai đoạn tháng 1-2020 đến tháng 6-2022.
Cụ thể hơn, có 1.967 công chức thôi việc, chiếm hơn 10% (bộ, ngành là 772 người; địa phương là 1.195 người) và 17.024 viên chức, chiếm gần 90% (bộ, ngành là 2.793 người; địa phương là 14.231 người).
Xét cơ cấu ngành, lĩnh vực, viên chức sự nghiệp giáo dục - đào tạo thôi việc chiếm tỷ lệ cao nhất, hơn 54%; viên chức sự nghiệp y tế chiếm 26,5%. Độ tuổi nghỉ nhiều nhất là dưới 50 tuổi, chiếm 86,25%; trình độ đào tạo Đại học chiếm gần 49%, Thạc sĩ chiếm gần 16%.
Các địa phương có số công chức, viên chức thôi việc nhiều nhất là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Tiền Giang.
Để giải quyết tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đối với tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Nhằm thay thế số công chức, viên chức thôi việc, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng mới gần 65.000 người, trong đó có 7.344 công chức (bộ, ngành gần 2.800 người, địa phương gần 4.550 người); hơn 57.600 viên chức (bộ, ngành hơn 4.360 người, địa phương gần 53.300 người). Hai lĩnh vực có số tuyển dụng mới đông nhất là giáo dục và y tế…
Liên quan đến kỷ cương, kỷ luật hành chính, dự thảo Báo cáo cho biết Chính phủ, Thủ tướng luôn quan tâm, chỉ đạo Bộ Nội vụ có những tham mưu, giải pháp cụ thể để thực hiện chủ trương của Đảng về kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đồng thời hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy có 395 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật.
Một số địa phương có nhiều cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật là Hà Tĩnh (138 người), Quảng Bình (68 người), Đồng Nai (51 người), Đà Nẵng (25 người), Cao Bằng (16 người), Hà Nội (15), Quảng Ngãi (14 người), Yên Bái (13 người), Thái Nguyên (12 người)…