THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:53

Trục vớt nhiều mảnh vỡ máy bay CASA 212

 

Theo QDND Online, đúng 4h30’ sáng 17/6, từ Quân cảng Vùng Cảnh sát biển 1, Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn công tác đã lên tàu Cảnh sát biển 4039, cơ động ra khu vực đảo Bạch Long Vĩ, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn phi công Trần Quang Khải và tổ bay Casa 212.
Tại phía Nam Bạch Long Vĩ  15 hải lý, tàu Cảnh sát biển 4039 tập hợp đội hình với tàu đã thu vớt được một số mảnh vỡ của máy bay Casa trước đó.
Mảnh vỡ của máy bay Casa 212. (Ảnh: QĐND)
Sau khi cập mạn tàu CSB 4039, cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 2008 đã chuyển lên tàu CSB 4039 một số bộ phận của chiếc máy bay Casa 212 gồm: Mảnh khung vỏ, lốp và càng sau bên trái.
Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng đã nghe chỉ huy các tàu báo cáo kết quả tìm kiếm cứu nạn; động viên các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường; đồng thời yêu cầu các lực lượng khẩn trương tiến hành công tác tìm kiếm tiếp theo, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất.
Mảnh vỡ của máy bay Casa 212. (Ảnh: QĐND)
Trung tướng Phan Văn Giang (thứ ba từ trái sang) quan sát mảnh vỡ của chiếc máy bay Casa 212.
Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho biết, việc tìm kiếm cứu nạn máy bay CASA có hai khó khăn. Thứ nhất là hiện trường máy bay mất liên lạc diễn ra ở phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ. Thứ hai là thời điểm diễn ra vụ việc thời tiết đột ngột diễn biến xấu. 
Hơn 1.500 người tìm kiếm máy bay CASA
Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho hay, đến 9h sáng 17/6, lực lượng tham gia tìm kiếm máy bay CASA-212 số hiệu 8983 mất tích là 1.564 người. Trong đó, có 764 cán bộ chiến sĩ của các quân khu, quân chủng và 800 ngư dân.
Phương tiện tham gia TKCN gồm 184 chiếc các loại gồm 5 máy bay (3 Mi 171, 2 EC 155), 155 tàu xuồng các loại và hàng trăm loại phương tiện trang bị khác.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Vũ  (Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm và cứu nạn hàng hải Việt Nam - MRCC), cho biết MRCC đã điều 3 tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng ra vùng biển máy bay CASA-212 mất tích. Theo đề nghị của Việt Nam MRCC, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Trung Quốc đã điều động tàu NANHAIJIU 101 tới tham gia tìm kiếm.
Sáng 17/6, tàu NANHAIJIU 101 đã tới hiện trường, dưới sự chỉ huy của tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải SAR 273 để tổ chức tìm kiếm máy bay CASA 8983.
Trong khi đó, thông tin từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn máy bay CASA 212 cho hay, chưa nhận được bất cứ thông tin về phi công Trần Quang Khải và Su 30. Các lực lượng tìm kiếm vẫn đang dốc sức tìm kiếm.
Trước đó, trung tâm cứu nạn hàng hải đã bố trí 3 tàu SAR tìm kiếm, có trang thiết bị rất hiện đại, camera hồng ngoại giúp phát hiện, tìm kiếm các đối tượng, vật thể cả ngày và đêm, thậm chí trong thời tiết xấu.
Trung Quốc đã cử tàu cứu nạn hỗ trợ tìm kiếm
Theo đề nghị của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, Trung Quốc đã cử tàu cứu nạn NANHAIJIU 101 tới hiện trường phối hợp tìm kiếm máy bay CASA. Tàu NANHAIJIU 101 chịu sự chỉ huy, điều phối của tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải SAR 273. (Xem chi tiết...)
Sáng nay (17-6) lực lượng cứu hộ cho biết đã vớt được một số mảnh vỡ máy bay CASA 212 số hiệu 8983 của Lữ đoàn không quân 918.
Trên máy bay mất tích có 9 người gồm 6 sĩ quan, 3 quân nhân chuyên nghiệp. Cuộc họp đêm qua do Trung tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, chủ trì đã quyết định thành lập Sở chỉ huy công tác cứu nạn tại Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, TP Hải Phòng.
Rơi ở phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ
Các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn đã báo cáo phương án triển khai lực lượng, kế hoạch tìm kiếm cứu nạn máy bay Su30MK2 và máy bay tuần thám CASA. Các lực lượng tìm kiếm xác định vào khoảng 12h30 ngày 16-6, máy bay tuần thám CASA 212 mang số hiệu 8983 bị mất tích.
Thông tin ban đầu cho biết vị trí máy bay rơi tạm xác định ở phía Đông đường phân định vịnh Bắc bộ, cách 3 hải lý. Ngay sau khi có  tin báo, lực lượng tàu một số đơn vị đã cơ động đến vị trí. Đến chiều tối qua, theo hướng Tây Bắc của vị trí rơi,  lực lượng tại thực địa đã vớt được một số mảnh vỡ của máy bay CASA. (Xem chi tiết...)
Vị trí máy bay CASA 212 số hiệu 8983 bị rơi. Đồ họa: Nguyên Anh.
Trong cả đêm qua các hoạt động tìm kiếm đã được triển khai tích cực. Tác động của dòng hải lưu vịnh Bắc bộ nên các vật nổi có khả năng trôi về phía bắc. Trong hôm nay, các lực lượng sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm ra phía Đông, phía Đông Bắc, lấy kinh tuyến 107 độ 30 phút làm trục; huy động các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, lực lượng cứu hộ quốc gia. Huy động tàu sona tìm kiếm mục tiêu chìm cơ động đến khu vực Bạch Long Vỹ tham gia nhiệm vụ.
Trung tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam yêu cầu các lực lượng cần tích cực, khẩn trương, triển khai công tác cứu nạn; tiếp tục tìm kiếm thượng tá Trần Quang Khải, máy bay CASA 212, đồng thời tìm kiếm vị trí máy bay Su30Mk2.
Trung tướng Phan Văn Giang cũng yêu cầu đặc biệt cần phân chia phạm vi, khu vực tìm kiếm cụ thể; biện pháp tìm kiếm, tổ chức chỉ huy hiệu quả, đảm bảo an toàn. Sau khi có thể xác định vị trí máy bay rơi sẽ đưa lực lượng đặc công nước và thợ lặn chuyên môn cao tham gia tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt các đơn vị thông tin đến ngư dân khu vực Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện tìm kiếm
Trước đó, tối 16-6, đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng, chủ trì cuộc họp Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị liên quan trong toàn quân bàn biện pháp xử lý.
Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, lái chính chiếc CASA 8983 gặp nạn. Ảnh: Hoàng Hà.
Mục tiêu là tiếp tục tìm kiếm phi công Su-30MK2 Trần Quang Khải và tìm kiếm máy bay CASA-212 với phương châm, huy động toàn bộ lực lượng cả trong và ngoài quân đội nỗ lực tìm kiếm cả ngày lẫn đêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch chỉ đạo Quân chủng Phòng không không quân và các đơn vị tập trung ổn định tư tưởng bộ đội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tập trung tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Đồng thời, qua đường dây nóng, Bộ Quốc phòng đã liên hệ với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc để cùng tìm kiếm, tạo điều kiện cho tàu, máy bay Việt Nam hoạt động ở phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ.
Chiếc CASA mất tích là một trong ba máy bay được trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển, mang số hiệu 8981, 8982, 8983.
Theo TTXVN, lúc 21h30 ngày 16/6, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã gặp Đại sứ Trung Quốc Hồng Tiểu Dũng, đề nghị phía Trung Quốc phối hợp, tạo điều kiện cho các tàu, máy bay và lực lượng của Việt Nam triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn ở phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ; đồng thời đề nghị lập tức cung cấp thông tin nếu phát hiện ra vật thể nghi là của máy bay hoặc của các phi công, thành viên phi hành đoàn bị trôi dạt sang phía Đông đường phân định.

 

Sáng 14/6, máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 cất cánh từ sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Ít phút sau, lúc 7h29, tín hiệu từ chiếc tiêm kích biến mất trên vùng biển Nghệ An, gần khu vực đảo Mắt.

Hai phi công trên chiếc Su-30MK2 gồm thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi) Phó phi đội trưởng phi đội 1, Trung đoàn 923.

Ngày 15/6, phi công, thiếu tá Nguyễn Hữu Cường đã được tàu ngư dân ở Hà Tĩnh cứu và được tàu của lực lượng chức năng tiếp cận, đưa phi công Cường vào bờ. Hiện vẫn chưa có thông tin gì về phi công, thượng tá Trần Quang Khải.

Trưa 16/6, máy bay CASA mang số hiệu 8983 trong quá trình tìm kiếm tiêm kích Su-30MK2 gặp nạn đột ngột mất liên lạc. Trên máy bay có 9 người.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh