THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:13

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 646.000 ca mắc COVID-19

Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 646.000 ca mắc COVID-19 và 2.252 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 508 triệu ca, trong đó trên 6,23 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (104.331 ca), Pháp (88.389 ca) và Hàn Quốc (81.010 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (320 ca), Hàn Quốc (206 ca) và Italy (202 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 82,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,01 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 522.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 662.000 ca tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu giảm gần 25% trong tuần trước, tiếp tục đà giảm từ cuối tháng 3, cụ thể trong tuần từ ngày 11 - 17/4 là gần 5,59 triệu ca. Số người tử vong liên quan COVID-19 cũng giảm 21%, còn hơn 18.200 ca.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Kyodo/TTXVN

VTV cũng đưa tin, nghiên cứu gần đây cho thấy, một bệnh nhân Anh có hệ miễn dịch suy yếu từng mắc COVID-19 trong 505 ngày liên tiếp, đây là trường hợp mắc bệnh lâu nhất từng được ghi nhận. Người này được điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesiver và đã qua đời trong năm 2021. Các nhà nghiên cứu đã từ chối tiết lộ lý do gây tử vong và cho biết, bệnh nhân mắc một số bệnh nghiêm trọng khác.

Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể phát triển thêm nhiều thêm phương pháp điều trị để hỗ trợ những người mắc COVID-19 trong thời gian dài đánh bại được virus. Mặc dù việc mắc COVID-19 trong thời gian dài hiếm khi xảy ra nhưng chuyên gia cảnh báo, vẫn còn nhiều người có hệ miễn dịch yếu. Họ là đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng và đang nỗ lực tự bảo vệ sau khi chính phủ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Do đó, việc đeo khẩu trang vẫn là biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Bộ Y tế bang New South Wales của Australia thông báo, từ ngày 25/4 tới sẽ thực hiện báo cáo tổng hợp hàng tuần về dịch COVID-19 thay vì báo cáo hàng ngày. Động thái này cho thấy, bang New South Wales đang chuyển sang giai đoạn mới sống chung an toàn với đại dịch. Ngoài bang New South Wales , ba địa phương khác của Australia cũng đã dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với người tiếp xúc gần là Vùng Thủ đô Canberra, bang Queensland và Victoria.

Tính đến nay, hơn 95% dân số Australia từ 16 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và hơn 69% người đủ điều kiện đã được tiêm mũi tăng cường.

Đeo khẩu trang vẫn là biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. (Ảnh: AP)

Đeo khẩu trang vẫn là biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. (Ảnh: AP)

 

Bắt đầu từ ngày 26/4, Singapore sẽ loại bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19. Quyết định trên được đưa ra sau khi Singapore ghi nhận sự giảm mạnh các ca mắc mới COVID-19 hàng ngày.

Quốc gia này sẽ loại bỏ các hạn chế về qui mô nhóm được tụ tập, cho phép nhân viên được trở lại nơi làm việc đầy đủ, hủy bỏ yêu cầu xét nghiệm đối với khách du lịch đã tiêm phòng. Các động thái này được cho là sẽ giúp phục hồi ngành hàng không và du lịch của Singapore.

Ngày 22/4, Thái Lan ghi nhận 21.808 ca mắc mới cùng 128 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay ở Thái Lan là trên 4,12 triệu trường hợp, trong đó có hơn 27.520 người không qua khỏi.

Đến nay, Thái Lan đã tiêm được 132,09 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Tính đến ngày 21/4, 80,6% dân số Thái Lan đã được tiêm một mũi vaccine, 73,1% được tiêm 2 mũi, trong khi 36,2% được tiêm mũi tăng cường.

Chính quyền thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã quyết định duy trì "giai đoạn tái bùng phát dịch bệnh" thêm một tháng nhằm sẵn sàng đối phó với khả năng số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh trở lại sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Theo đó, các nhà hàng tại Tokyo sẽ được nới lỏng mức giới hạn số lượng khách theo nhóm từ 4 người lên 8 người. Tuy nhiên, thời gian ăn uống bị hạn chế trong 2 giờ đồng hồ và nhà hàng chỉ được phục vụ đồ uống có cồn đến 21h.

Những quy định trên sẽ được miễn nếu toàn bộ khách đều được xác nhận âm tính với COVID-19. Ngoài ra, chính quyền Tokyo kêu gọi người dân hoàn tất tiêm chủng vaccine mũi thứ 3 trước khi tham gia di chuyển du lịch trong "Tuần lễ Vàng" sắp tới.

Ngày 22/4, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum thông báo, bắt đầu từ tuần tới, nước này sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt để phòng dịch COVID-19. Theo đó, người dân sẽ được phép ăn uống trong các rạp chiếu phim, các phòng tập thể dục trong nhà, các địa điểm tôn giáo, tàu điện, tàu hỏa và xe bus.

Phát biểu tại một cuộc họp ứng phó với COVID-19, ông Kim Boo-kyum cho biết, số ca mắc mới trung bình theo ngày ở Hàn Quốc đã giảm khoảng 40% so với một tuần trước đó, trong khi số ca bệnh nặng và tử vong cũng tiếp tục xu hướng giảm. Tuy nhiên, Thủ tướng Kim cảnh báo, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế không đồng nghĩa không còn nguy cơ lây nhiễm.

Số ca mắc mới trung bình theo ngày ở Hàn Quốc đã giảm khoảng 40% so với tuần trước. (Ảnh: AP)

Số ca mắc mới trung bình theo ngày ở Hàn Quốc đã giảm khoảng 40% so với tuần trước. (Ảnh: AP)

 

Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã chính thức nới lỏng lệnh phong tỏa vốn được áp đặt từ cuối tháng 3 vừa qua nhằm ngăn dịch COVID-19. Theo đó, chính quyền Thượng Hải đã cho phép 4 triệu người dân có thể ra ngoài. Những nơi được nới lỏng là những khu vực không có báo cáo ca bệnh mới. Người dân được phép ra khỏi nhà nhưng vẫn hạn chế đến các khu dân cư lân cận.

Các quan chức Thượng Hải cho biết, hiện 12,3 triệu dân trên tổng số 25 triệu dân của thành phố đang ở trong các khu vực "kiểm soát" hoặc "phòng ngừa", mức hạn chế thấp nhất trong hệ thống ba cấp. Ngày 21/4, thành phố Thượng hải ghi nhận hơn 20.000 người khỏi bệnh.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh