THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:53

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc COVID-19

Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 10.400 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 400 triệu ca, trong đó trên 5,77 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (212.724 ca), Brazil (171.483 ca) và Nga (165.643 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.018 ca), Ấn Độ (1.230 ca) và Brazil (1.090 ca). Như vậy, ca tử vong mới trong 24 giờ qua ở Mỹ lại vượt mốc 2.000 ca.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 5/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 5/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

VTV cũng đưa tin, Italy đã bắt đầu thực thi các quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 mới trong trường học, đảm bảo rằng nhiều học sinh được đến trường hơn khi số ca nhiễm mới có xu hướng giảm dần

Các lớp học sẽ chỉ chuyển sang hình thức học trực tuyến nếu có 5 học sinh bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và ngay cả trong trường hợp một lớp có 5 bệnh nhân COVID-19, những học sinh trên 12 tuổi đã tiêm liều vaccine tăng cường và không bị nhiễm bệnh vẫn có thể đến trường. Giới chuyên môn ước tính rằng, các quy định mới sẽ cho phép 600.000 học sinh được trở lại trường học.

Ngày 8/2, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cảnh bá, đại dịch COVID-19 sẽ không chấm dứt với biến thể Omicron và trong năm nay, nước này phải chuẩn bị ứng phó với nhiều biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Ardern đưa ra lời cảnh báo trên trong bài phát biểu đầu tiên trong năm 2022 trước các nghị sĩ, trong bối cảnh hàng trăm người biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Wellington đòi chấm dứt các biện pháp hạn chế và quy định tiêm vaccine bắt buộc.

Israel đã bãi bỏ quy định xuất trình "Thẻ Xanh", tức chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, tại hầu hết các tụ điểm công cộng như nhà hàng, rạp hát, chỉ duy trì quy định này đối với vũ trường và các sự kiện tập trung đông người. Cùng với quy định "Thẻ Xanh", một số quy định khác cũng được dỡ bỏ như giới hạn số người tham gia sự kiện đông người hoặc quy định giãn cách tối thiểu trong các trung tâm thương mại, nhà hàng, văn phòng, trụ sở doanh nghiệp.

Israel đã bãi bỏ quy định xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. (Ảnh: AP)

Israel đã bãi bỏ quy định xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. (Ảnh: AP)

 

Thái Lan sẽ đàm phán về các thỏa thuận đi lại song phương với Trung Quốc và Malaysia trong tháng 2 này. Quyết định được đưa ra sau một tuần nước này nối lại chương trình "Test and Go" (Xét nghiệm và Đi). Quyết định trên cho thấy nỗ lực của Chính phủ Thái Lan nhằm giúp ngành du lịch phục hồi.

Các du khách đi theo chương trình bong bóng du lịch giữa Thái Lan với Trung Quốc và Malaysia sẽ không phải thực hiện cách ly, có thể được cấp thị thực đặc biệt và địa điểm lưu trú. Các bên cũng sẽ thảo luận cụ thể về hạn mức chi trả bảo hiểm y tế, số lượng khách được phép qua lại cũng như những khu vực du khách có thể đi lại để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát.

Ngày 8/2, Bộ Y tế Philippines cho biết, nước này ghi nhận thêm 3.574 ca nhiễm mới COVID-19, số ca mắc mới theo ngày thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay, nâng tổng số người nhiễm bệnh trên cả nước lên trên 3,61 triệu trường hợp. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 83 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 54.621 bệnh nhân.

Philippines đã chứng kiến 4 làn sóng dịch bệnh kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận vào ngày 15/1 vừa qua với 39.004 ca mắc mới.

Hội đồng Phục hồi Quốc gia (NRC) của Malaysia ngày 8/2 cho biết, cơ quan này đã đề nghị mở cửa trở lại hoàn toàn các cửa khẩu biên giới quốc tế. Theo đó, người nhập cảnh không phải trải qua bất kỳ quy định cách ly nào. Thời điểm dự kiến sớm nhất là từ ngày 1/3 tới.

Bộ Y tế nước này thông báo 13.944 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 8/2, đưa tổng số ca mắc lên trên 2,9 triệu người, trong đó hơn 32.000 trường hợp tử vong. Malaysia nằm trong số các nước có tỷ lệ mắc và tử vong theo đầu người cao nhất tại châu Á.

Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét phương án ứng phó với dịch COVID-19 giống như ứng phó với cúm mùa. Điều này cho thấy Hàn Quốc có ý định dần chuyển đổi sang hệ thống phòng dịch thông thường. Việc chuyển hướng này nhằm đảm bảo hệ thống y tế có thể xử lý ngay cả khi số ca mắc tăng.

Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron đang tăng vọt lên trên 30.000 ca/ngày, Hàn Quốc đã quyết định dừng công thức "3T" đang áp dụng (xét nghiệm, truy tìm và điều trị) và chuyển sang áp dụng một hệ thống quản lý kiểm dịch và truy vết tiếp xúc đơn giản hơn nhiều. Theo Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc, bệnh nhân sẽ được chia thành hai nhóm (nhóm gồm những người từ 50 - 60 tuổi trở lên có các bệnh lý nền và nhóm bao gồm toàn bộ số bệnh nhân còn lại).

Để mở lại trường học, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo, các trường học cấp trên tiểu học sẽ được cung cấp các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh để xét nghiệm cho 20% số học sinh, trong khi tỷ lệ này dành cho các trường mẫu giáo và tiểu học là 30%. Các trường đại học cũng sẽ được khuyến cáo tiếp tục học trực tiếp trong học kỳ mới và chuẩn bị một kế hoạch dự phòng 2 giai đoạn để chuyển sang học từ xa trong trường hợp cần thiết.

Từ học kỳ tới, các trường học sẽ tự quyết định học trực tiếp hay chuyển sang học từ xa tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại trường. Các trường được khuyến cáo không chuyển sang học từ xa hoàn toàn nếu 3% số học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc 15% tự cách ly.

Nhật Bản đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh gây ra. (Ảnh: AP)

Nhật Bản đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh gây ra. (Ảnh: AP)

 

Tại Nhật Bản, hiện mỗi ngày có đến hơn 90.000 ca mắc mới, trong đó tỷ lệ học sinh mắc COVID-19 là khá cao. Tuy nhiên, nước này không thực hiện đóng cửa trường học giống như các đợt lây nhiễm trước đây mà thực hiện các biện pháp thích ứng linh hoạt hơn. Khi phát hiện ca nhiễm COVID-19, quyết định đóng cửa sẽ được chính quyền địa phương đưa ra dựa trên tình hình dịch bệnh cụ thể, ưu tiên vẫn là tổ chức học phân ca hoặc online để đảm bảo cơ hội học tập cho học sinh. Ngoài ra, thời hạn đóng cửa đối với những trường học, lớp học có các ca nhiễm COVID-19 được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 5 ngày.

Ngày 8/2, Nhật Bản thông báo ghi nhận 122 ca tử vong vì COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm hơn 100.000 ca nhiễm mới.

Các nhà khoa học Trung Quốc thông báo vừa phát triển bộ sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc COVID-19 có độ chính xác như phương pháp xét nghiệm PCR, cho kết quả chỉ trong vòng 4 phút, tiết kiệm thời gian đáng kể so với phương pháp PCR thường phải mất vài giờ mới cho ra kết quả.

Ngày 8/2, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo ghi nhận 625 ca mắc COVID-19, trong đó đa số là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ hai liên tiếp đặc khu này ghi nhận trên 600 người mắc mới trong một ngày. Trước diễn biến phức tạp trên, chính quyền đặc khu đã công bố biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Tính đến ngày 7/2, trên 80% dân số tại Hong Kong đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trên 70% dân số đã tiêm đủ liều cơ bản, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine ở người cao tuổi còn thấp.

Trong vòng 5 - 6 tuần qua, biến thể Omicron đã khiến nhiều người bị bệnh hơn bất kỳ giai đoạn tương tự nào trên toàn cầu kể từ đại dịch cúm năm 1918 - 1919. Thời báo Phố Wall dẫn thông tin từ Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe, của Đại học Washington (Mỹ).

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh