THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:10

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,5 triệu ca mắc COVID-19

Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 7.500 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 433 triệu ca, trong đó trên 5,95 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (193.099 ca), Hàn Quốc (165.889 ca) và Nga (123.460 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.274 ca), Nga (787 ca) và Brazil (674 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 80,4 triệu ca mắc COVID-19 và trên 971.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,9 triệu ca mắc và trên 513.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 28,6 triệu ca mắc và trên 648.000 ca tử vong.

Trong bối cảnh SARS-CoV-2 lây nhanh, một nghiên cứu mới do Viện truyền nhiễm và miễn dịch Peter Doherty của Australia đã phát hiện rằng virus SARS-CoV-2 có thể tăng tốc tiến hóa trong thời gian ngắn và tạo ra các biến thể mới nhanh hơn nhiều các virus khác. Nghiên cứu mô tả "sự bùng nổ đột biến" của virus này trước khi trở lại tỷ lệ đột biến "thông thường".

Nghiên cứu đã cho thấy các biến thể thuộc loại đáng lo ngại như Beta và Delta đã biến đổi nhanh hơn các biến thể trước, chỉ trong vài tuần thay vì vài tháng. Kết quả cũng cho thấy "tỷ lệ thay thế" - tức là số biến thể mới trong mỗi dòng - sẽ biến đổi nhanh hơn 4 lần so với tỷ lệ để tạo ra 4 biến thể đáng lo ngại trong nghiên cứu trên. Ví dụ, biến thể Delta xuất hiện chỉ trong 6 tuần so với biến thể trước đó.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 24/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 24/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

VTV cũng đưa tin, cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech để tiêm mũi tăng cường cho người trên 12 tuổi. Trong tuyên bố, EMA cho biết, quyết định của các nước về thời điểm và liệu có tiêm mũi tăng cường cho những người từ 12 tuổi trở lên cần tính tới các yếu tố, trong đó có sự lây lan và diễn tiến nặng đối với nhóm người trẻ tuổi, cũng như nguy cơ về tác dụng phụ hiếm gặp đã được nêu ra, trong đó có viêm cơ tim. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của Pfizer-BioNTech cho thanh thiếu niên.

Cùng ngày, EMA cũng phê duyệt việc sử dụng thêm vaccine của Moderna để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 6 - 11.

EMA đã phê duyệt vaccine Pfizer làm mũi tăng cường cho người trên 12 tuổi và vaccine Moderna cho trẻ từ 6 - 11 tuổi. (Ảnh: Reuters)

EMA đã phê duyệt vaccine Pfizer làm mũi tăng cường cho người trên 12 tuổi và vaccine Moderna cho trẻ từ 6 - 11 tuổi. (Ảnh: Reuters)

 

Bộ Y tế Thái Lan cho biết, nước này đang đặt mục tiêu sớm coi đại dịch COVID-19 là một căn bệnh đặc hữu. Theo đó, Bộ này sẽ công bố kế hoạch quản lý để đối phó với COVID-19 như là một bệnh đặc hữu với mục tiêu đưa ra sự thay đổi trong 4 tháng. Với hơn 90% người nhiễm biến thể Omicron không triệu chứng, Bộ Y tế Thái Lan có kế hoạch tăng tỷ lệ những người cách ly tại nhà từ 60% hiện tại lên 90%. Điều này sẽ giảm sức ép cho các bệnh viện.

Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao với hơn 24.932 ca vào ngày 25/2, tuy nhiên, số người tử vong ở mức thấp, 41 trường hợp.

Thủ đô Phnom Penh của Campuchia đang phải đối mặt với đợt lây nhiễm COVID-19 mới, đặc biệt là những ca nhiễm biến thể Omicron. Các cơ quan chức năng ở Phnom Penh đã nỗ lực kiềm chế số ca mắc ở trẻ em đang liên tục được ghi nhận và hơn 10 trường học trên địa bàn đã phải đóng cửa.

Đến nay, đã có hơn 500 học sinh tại thủ đô Phnom Penh bị nhiễm COVID-19. Nhiều chuyên gia khuyến cáo, các nhà trường nên đẩy mạnh những nhóm học trực tuyến cho tới khi kiềm chế được đợt lây nhiễm mới có tốc độ lan rất nhanh này. Giám đốc Sở Giáo dục Phnom Penh Hem Sinareth cho biết, sau khi đợt dịch mới bắt đầu lan rộng từ ngày 10/1, trên địa bàn thủ đô đã có hơn 500 học sinh bị nhiễm biến thể Omicron và nguy cơ số ca mắc sẽ tăng rất cao do sự chủ quan và bất cẩn của một số phụ huynh học sinh.

Nhật Bản sẽ nới lỏng những biện pháp nhập cảnh từ ngày 1/3 tới. (Ảnh: AP)

Nhật Bản sẽ nới lỏng những biện pháp nhập cảnh từ ngày 1/3 tới. (Ảnh: AP)

Ngày 25/2, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho rằng, làn sóng dịch bệnh COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra ở nước này sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 3 tới với số ca nhiễm mới theo ngày có thể lên đến khoảng 250.000 ca.

Số ca mắc mới trong một ngày ở Hàn Quốc đã vượt 100.000 ca lần đầu tiên vào tuần trước và tăng vọt ở mức cao chưa từng thấy 171.452 trường hợp/ngày ghi nhận vào ngày 23/2 vừa qua. Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết, một số chuyên gia y tế còn nhận định, đỉnh dịch của làn sóng do biến thể Omicron gây ra lần này có thể đến sớm hơn dự kiến. Trước đó, ông trấn an người dân không nên quá lo lắng về số ca nhiễm mới theo ngày khi cho biết tỷ lệ tử vong và số bệnh nhân nặng đang được kiểm soát cùng những dữ liệu cho thấy biến thể Omicron ít gây bệnh nặng hơn.

Trung Quốc đại lục ngày 25/2 ghi nhận 142 ca mắc COVID-19 có triệu chứng là trường hợp nhập cảnh, mức cao nhất trong gần 2 năm qua, trong đó hầu hết đến từ đặc khu hành chính Hong Kong, vùng lãnh thổ đang vất vả ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, hơn 100 ca đến từ Hong Kong, trong đó có 47 người được phát hiện tại thành phố Thâm Quyến (miền Nam) và 51 ở Thượng Hải (miền Đông). Thủ đô Bắc kinh cũng ghi nhận 7 trường hợp đến từ Hong Kong.

Cũng trong ngày 25/2, Trung Quốc Đại lục ghi nhận 87 ca nhiễm nhập cảnh không triệu chứng và 82 ca lây nhiễm trong cộng đồng, không có ca tử vong mới.

Đặc khu Hong Kong theo đuổi mục tiêu “Zero COVID”, đưa số ca mắc trong cộng đồng về 0, từ con số gần 9.000 ca mắc mới mỗi ngày hiện nay. Hiện tình trạng biến thể Omicron lây lan mạnh đã làm hệ thống y tế của Hong Kong quá tải. Ngày 25/2, Hong Kong ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục 10.010 ca, đây là lần đầu tiên thành phố này thông báo số ca mắc bệnh mới ở mức 5 con số. Các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong dự đoán, số ca mắc mới ở đặc khu này có thể sẽ lên mức đỉnh 180.000 trường hợp/ngày trong tháng 3 tới.

Trong những ngày qua, Hong Kong tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp tử vong là người già và trẻ nhỏ, chỉ một số ít trong đó đã tiêm ít nhất 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra, Cơ quan quản lý bệnh viện cũng cho biết, đã có khoảng 400-500 trẻ mắc COVID-19 được đưa đến các bệnh viện, con số lớn nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở khu hành chính này, vượt quá khả năng tiếp nhận của các bệnh viện.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh