Đồ làm bếp với các chị em không chỉ đơn thuần là món đồ gia dụng mà còn là cả cuộc hành trình tìm kiếm bạn đồng hành phù hợp. Có người thích đồ bếp hiện đại, thiết kế đẹp mắt, càng nhiều càng tốt. Có chị em lại thích các mẫu đồ bếp truyền thống, đơn giản, ít thôi nhưng nhiều chức năng hợp điều kiện sống của gia đình.
Vậy thì, câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn là đồ bếp bao nhiêu mới đủ. Và mua như thế nào là hợp lý. Với kinh nghiệm nội trợ cùng nhiều năm tích cóp đồ bếp được ví như như "Tàng Kinh Các" của chị Mai Nga (hiện đang sống và làm việc tại Đức) sẽ giúp chị em có câu trả lời.
Mai Nga và căn bếp của mình.
Ngay từ khi bắt đầu việc bếp núc, Mai Nga đã bị cái tính thích tha lôi đủ loại về nhà. Vì tâm lý những người yêu bếp hoặc thích nấu ăn thì mua đồ bếp có thể ở dạng "nghiện" chứ không đùa. Có khi là mua theo nhu cầu cần thiết lúc đó, mua ngay lập tức mà chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu thực sự, đến lúc sử dụng được vài hôm thì lại cảm thấy không còn phù hợp nữa.
Nhiều khi, Mai Nga cũng bị cái tính giống như nhiều chị em là thích mua theo phong trào, thấy món gì đang hot là xách về nhưng được vài bữa là bỏ xó. Chính vì vậy, sau nhiều lần đau ví nhưng rồi không sử dụng tới, Mai Nga khuyên chị em cần cực kỳ bình tĩnh khi xuống tiền.
Hãy mua những đồ dùng cực kỳ cần thiết, rất hữu dụng
Đây là bộ nồi đi theo Mai Nga gần 15 năm, gắn bó rất nhiều kỷ niệm. Bộ nồi đã di chuyển cùng Nga qua bao nhiêu nước. Dùng lâu tới nỗi, chiếc nồi ngoài cùng đã bị gãy một tay cầm do bẩn cẩn trong quá trình sử dụng mà Nga vẫn còn giữ lại.
"Mình nhớ khi mình mới sang Đức học đã rất mê mệt đồ bếp vì ngắm cái nào cũng đẹp. Lúc đó sinh viên nghèo, một tháng được học bổng tầm 750-800 euro/tháng (khoảng 21 triệu đồng), trừ tiền nhà tiền ăn, tiền sinh hoạt là gần như vừa đủ nhưng sang vài tháng là mình không cưỡng được đã bê bộ nồi này về luôn. Giá mua lúc đó là 2,7 triệu/bộ", Mai Nga cho biết.
Bộ nồi nấu ăn là thứ không thể thiếu được trong gian bếp. Chính vì thế, chị em nên cố gắng đầu tư để sắm những sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe rồi dùng dài lâu. Nếu có ý định mua bộ nồi thì nên cân nhắc mua bộ nhiều món, tầm năm cái cho nhà nhỏ và 9 cái cho nhà lớn.
Lúc mới sang Đức, Nga thường phải vác theo nồi cơm điện. Tuy nhiên, sinh sống một thời gian mới phát hiện nồi cơm điện của "các bạn Tây" nấu cơm không thua kém gì nồi Nhật. Nên đây cũng là món đồ bếp không thể thiếu.
Món thứ hai là nồi chiên không dầu, được Nga mua năm 2012. Lúc đó mới làm nhà xong, hết tiền nhưng cũng bấm bụng mua vì nghe review quá tốt từ các chị em.
Hồi đó mua khoảng 200 euro (tương đương 5,3 triệu đồng) là số tiền không nhỏ cho một thiết bị nhà bếp. Và Nga đã không thất vọng khi em ấy đáng giá đến từng xu.
Đã 8 năm rồi chiếc nồi chiên này vẫn chạy tốt, giờ ra nhiều dòng mới hơn, cải tiến hơn nhưng Nga vẫn không nỡ đổi. Nồi có nhiều mẫu mã size XL hoặc XXL, chị em tuỳ vào nhu cầu sử dụng của nhà mình mà mua loại hợp lý. Đây cũng là món đồ bếp không thể thiếu.