THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:12

Trong nước chỉ còn 12 bệnh nhân COVID-19 nặng

Theo Bộ Y tế cho biết ngày 2/1/2023 cả nước có 52 ca mắc COVID-19, tiếp tục đà giảm của những ngày trước đó, bệnh nhân nặng cũng giảm còn 12 ca đang thở máy và oxy. Ngày 2/1 tiếp tục không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.      

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.525.336 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.472 ca nhiễm).

Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.611.325 ca, hiện trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 12 ca (đây là thời điểm số bệnh thấp nhất trong hơn 1 năm qua), trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 9 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 1 ca, Thở máy xâm lấn: 2 ca.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết; chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới "Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh" với thông điệp "Thực hiện – 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine+ thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác".

Phối hợp với các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế theo dõi, cập nhật tình hình dịch, nhất là với các biến thể mới.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết ngày 2/1 tổng số mũi vaccine COVID-19 đã tiêm ở nước ta là 265.519.661.

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

- Tiêm mũi 3: Tổng số có 51.670.772 mũi tiêm (80,1%)

  • 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62,8%); Bình Định (60,4%); Phú Yên (62,3%); Đồng Nai (53,8%); Đồng Tháp (60%).
  • 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (100%); Sóc Trăng (100,4%).

- Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.283.091 mũi tiêm (86,9%).

Nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.778.801 mũi tiêm (68,5%)

  • 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Phú Yên (48,4%); Bình Thuận (44,1%); TP. HCM (36,4%); Đồng Nai (43,1%).
  • 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Sóc Trăng (103,5%); Bến Tre (94,9%).

Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.438.066 mũi tiêm:

- Mũi 1: 10.242.255 mũi tiêm (92,6%)

  • 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,5%); Quảng Trị (78,8%); Đà Nẵng (68,5%); TP HCM (64,6%), Bà Rịa - Vũng Tàu (73,3%)

- Mũi 2: 8.195.811 mũi tiêm (74,1%)

5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (56,1%); Đà Nẵng (37%); Quảng Nam (49,4%); TP HCM (40,6%), Bà Rịa - Vũng Tàu (44,6%).

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 665,3 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.

Dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết một biến thể mới của biến thể Omicron đang trở nên phổ biến và chiếm ưu thế tại Mỹ đó là biến thể phụ XBB.1.5. XBB.1.5 hiện chiếm khoảng 44% số ca mắc mới COVID-19 trên toàn nước Mỹ. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tỉ lệ nhiễm XBB.1.5 tăng gần gấp đôi trong tuần qua.

Điều này đã làm dấy lên nhiều lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới sau mùa du lịch nhộn nhịp đầu năm 2023.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận biến thể XBB đã xuất hiện ở ít nhất 70 quốc gia và đã tạo ra một làn sóng lây nhiễm tại một số nước châu Á như Ấn Độ, Singapore vào tháng 10-2022.

XBB.1.5 là họ hàng của biến thể Omicron XBB và là biến thể tái tổ hợp của các biến thể phụ Omicron BA.2.10.1 và BA.2.75. Đặc điểm của XBB.1.5 là có khả năng lây truyền cao và đã phát triển khả năng né miễn dịch.

Các nhà khoa học và các quan chức y tế công cộng đã theo dõi chặt chẽ dòng biến thể phụ XBB trong nhiều tháng qua. Dòng này có nhiều đột biến và có thể khiến vắc xin COVID-19, bao gồm cả vắc xin chuyên cho Omicron, bị giảm hiệu quả và thậm chí gây ra nhiều ca nhiễm đột phá hơn. Ca nhiễm đột phá là những trường hợp đã tiêm đủ vắc xin nhưng vẫn mắc COVID-19.

XBB lần đầu tiên được ghi nhận ở Ấn Độ vào tháng 8-2022. Chúng nhanh chóng chiếm ưu thế ở quốc gia này, sau đó là Singapore. Kể từ đó, XBB đã phát triển thành một họ các biến thể phụ bao gồm XBB.1 và XBB.1.5.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh