Trốn thuế tại BOT Trung Lương: Sai phạm rồi mới xử lý là quá muộn
- Tây Y
- 19:39 - 06/01/2019
Không kiểm soát nổi doanh thu BOT?
Ngày 1.1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (CO3, Bộ Công an) đã bắt giữ 5 lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, chi nhánh Long An để điều tra về việc mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, liên quan đến dự án BOT TPHCM - Trung Lương.
Đánh giá về vụ việc này, ĐBQH khóa XVI, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc Hội, Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đây là vụ án nghiêm trọng, làm thất thoát ngân sách nhà nước và lộ nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý.
Cùng một lúc 5 người bị bắt đều là lãnh đạo công ty Yên Khánh, liên quan đến dự án BOT TPHCM- Trung Lương, nơi có lưu lượng xe rất lớn nhưng quá trình vận hành BOT đã không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
"Cơ quan quản lý thường không kiểm soát nổi doanh thu hàng năm của BOT. Đây là sơ hở đầu tiên khiến các doanh nghiệp đầu tư BOT lợi dụng, giấu doanh thu và trốn thuế", ông Nhưỡng nói.
"Nếu tình trạng này còn tiếp tục xảy ra ở các dự án BOT khác thì không biết ngân sách nhà nước sẽ còn thất thoát bao nhiêu?", ĐBQH Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.
BOT sai phạm phải xử nghiêm
Tiêu cực xảy ra tại tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương không phải là vụ việc đầu tiên xảy ra đối với dự án BOT. Cách đây 2 năm, Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng từng bị phát hiện gian lận phí lên đến 500 triệu đồng/ngày. Theo đó, mức doanh thu của tuyến cao tốc này đạt trung bình hơn 1,9 tỷ đồng/ngày, cao hơn khoảng 500 triệu đồng so với báo cáo của Công ty.
"Đáng nhẽ ra, từ 2 năm trước, sau câu chuyện của trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, cơ quan quản lý nhà nước phải có những biện pháp đánh giá lại doanh thu của những dự án BOT khác, nhưng việc này lại không thực hiện ngay. Tôi cho rằng đây là động thái hết sức chậm chạp của cơ quan quản lý nhà nước", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.
Ông Nhưỡng cho rằng, thể chế BOT hiện nay đang có nhiều lỗ hổng, chưa tạo ra sự cạnh tranh công bằng. Có những chuyện về ưu ái, đấu thầu không lành mạnh, đấu thầu "giả vờ".
Vì vậy, chúng ta cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước, các biện pháp xử lý đối với BOT sai phạm cần phải nghiêm hơn.
"Sau vụ việc BOT TPHCM-Trung Lương trốn thuế chúng ta cần phải rà soát lại toàn bộ các dự án BOT hiện nay để kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý nghiêm nếu có. Nếu để sai phạm quá trầm trọng mới xử lý là quá muộn, lúc đó chúng ta chỉ đi khắc phục hậu quả, chứ không còn phòng chống, gây thất thoát ngân sách nhà nước", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.